Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chúc mừng Quốc khánh Campuchia |
Tấm lòng Việt Nam nuôi dưỡng ước mơ lưu học sinh Lào, Campuchia |
“Bà giáo” - là cách gọi trìu mến, thân thương cộng đồng người Việt ở tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia) dành cho bà Nguyễn Thị Sương. Nhiều năm qua, hình ảnh bà giáo Sương đứng bên chiếc bảng đen, tay cầm viên phấn trắng, cần mẫn dạy từng nét chữ tiếng Việt cho con trẻ đã trở thành ký ức đẹp của nhiều người gốc Việt tại Campuchia.
Bà giáo Nguyễn Thị Sương dự Tết cộng đồng do Cơ quan đại diện Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Sương) |
Đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi buổi sáng, bà Sương lặng lẽ đến lớp lau bảng, kê lại bàn ghế, quét dọn… để chuẩn bị cho một ngày học mới. Vừa làm, bà vừa kể với chúng tôi về quá trình bén duyên với nghề giáo.
Bà Sương sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, lấy chồng người Campuchia rồi theo ông sang định cư ở tỉnh Preah Sihanouk từ năm 1980. Đây là nơi có khá đông người Việt sinh sống nhưng nhiều bà con công ăn việc làm không ổn định, không có điều kiện đưa con đến trường.
Với mong muốn gìn giữ tiếng Việt cho những thế hệ sau, Hội Việt kiều tỉnh Pre Sihanouk đã mở lớp dạy tiếng Việt nhưng việc duy trì lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất có lẽ đến từ việc thiếu giáo viên. Một ngày tình cờ, bà Sương nhận được lời đề nghị của Hội Việt kiều tỉnh Preah Sihanouk về việc dạy tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt. Ban đầu bà còn ngại ngần vì thấy mình chưa trải qua được đào tạo để dạy tiếng Việt, nhưng rồi tình thương dành cho con trẻ, mong muốn giữ gìn tiếng mẹ để cho các con, bà đã nhận lời.
Con trai bà bị bệnh qua đời đã nhiều năm nay, chồng bà cũng đã mất. Bà Sương phải nuôi hai đứa cháu nội. Bởi thế, đằng đẵng những năm qua, bà Sương thường dậy từ mờ sáng để chăm lo việc gia đình rồi mới đến lớp học. Công việc đòi hỏi thời gian, tâm huyết, sự bền bỉ nhưng nhìn tụi nhỏ không có giấy tờ để học trường công Campuchia nhưng cũng chẳng viết được con chữ tiếng Việt cho đến nơi đến chốn, bà lại có thêm sức mạnh để duy trì. Mấy năm trở lại đây, gánh nặng của bà giáo Sương cũng được san sẻ khi có thêm cô Trần Thị Hoài An - một người gốc Việt trẻ tuổi.
Bà giáo Nguyễn Thị Sương (phải) tiếp nhận một số đầu sách tiếng Việt của Nhà xuất bản Dân trí tặng các cháu thiếu nhi gốc Việt năm 2022. (Ảnh: Tuệ Phương) |
Hiện lớp tiếng Việt do bà phụ trách có gần 20 em theo học. Trong lớp, các em đều chăm chỉ tập viết, học đánh vần. “Tôi dạy các cháu tiếng Việt để không quên cội nguồn và hiểu biết thêm kiến thức. Các cháu có tri thức sẽ thay đổi được cuộc sống khó khăn; đồng thời thể hiện được với người dân sở tại cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ và truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc ta. Các cháu học 5 điều Bác Hồ dạy, yêu tiếng nói của dân tộc chính là yêu Tổ quốc, yêu thương cha mẹ, cộng đồng chính là yêu đồng bào”, bà Sương nói.
Hành trình của bà giáo Sương cũng là hành trình của không ít thầy, cô giáo tình nguyện khác tại xứ sở Chùa Tháp. Cô giáo Lê Thị Kim Dung, giáo viên Trường Tiểu học Siem Reap cho biết: “Có những gia đình do khó khăn về kinh tế nên chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy tiếng Việt cho các em. Do đó, chúng tôi thường xuyên phải đi vận động bố mẹ các em tạo điều kiện cho các cháu đến lớp”.
Trên thực tế, nhiều lớp học ở đây không chỉ dạy tiếng Việt, mà còn dạy cả tiếng Khmer để tránh tình trạng thất học nói chung. Khi biết chữ Khmer rồi, các em có thể theo học các lớp học khác, lớn lên học nghề, hoà nhập với cộng đồng.
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh dạy môn tiếng Việt cùng các em học sinh tại Siem Reap. (Ảnh: Nguyễn Hiệp) |
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh, phụ trách lớp tiếng Việt gồm 48 học sinh trong khuôn viên Nhà đa năng cộng đồng gốc Việt tỉnh Siem Reap kể, có những phụ huynh trạc tuổi 40 như cô không biết chữ Việt. Họ đến trường nhờ cô dạy chữ miễn phí cho con để sau này các cháu có kiến thức, có cuộc sống no đủ hơn và không quên cội nguồn Việt Nam.
“Các con học rất nhanh, biết đọc, biết viết chữ Việt chỉ sau vài tháng học. Đem con chữ đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây, khi nghe các con đọc rõ tiếng Việt, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi mong rằng có một ngày các con sẽ được về thăm đất nước, thăm Thủ đô, được nói và nghe tiếng Việt ngay trên quê hương Việt Nam mình”, cô giáo Lê Thị Thùy Linh nói.
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ, UBND các tỉnh, thành Việt Nam và Hội Việt kiều tại Campuchia, nhiều ngôi trường dành cho trẻ em Việt kiều tại Campuchia đã ra đời, giảm bớt khó khăn trong hành trình gìn giữ tiếng Việt.
Theo số liệu thống kê của Hội Khmer - Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia, hiện có hơn 30 điểm trường, lớp dạy học bằng hai ngôn ngữ là tiếng Khmer và tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh trên đất nước Chùa tháp, với gần 1.400 học sinh theo học. Con em cộng đồng người gốc Việt đến các điểm trường, lớp này được học miễn phí theo chương trình của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, đồng thời học tiếng Việt theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Học sinh người gốc Việt tại Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến đón xuân Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Cô giáo Thạch Thị Lan, Hiệu trường Trường tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến (Phnom Penh) cho rằng, đối với con em người gốc Việt tại Campuchia, việc học tiếng Việt và tiếng Khmer đều rất quan trọng. Nếu học giỏi cả hai ngôn ngữ, các cháu sẽ hòa nhập được với xã hội Campuchia, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và có cơ hội được làm việc ở những doanh nghiệp lớn.
Theo cô Thạch Thị Lan, tuy còn nhiều khó khăn, đời sống còn vất vả, sách giáo khoa chưa đầy đủ, nhưng những giáo viên trong hệ thống trường, lớp của người gốc Việt tại Campuchia vẫn luôn nhận được sự động viên của phụ huynh, cộng đồng, vẫn sớm chiều đứng trên bục giảng. Lớp lớp thế hệ con em người gốc Việt tại đây vẫn cần mẫn học tập, tiếp thu ngôn ngữ và kiến thức để mai này mang tài sức xây dựng cả hai quê hương, vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Ký túc xá sinh viên Lào tại TP.HCM là mái nhà chung của sinh viên Việt Nam - Campuchia - Lào Đây là phát biểu của ông Phạm Lê Minh Khang, Trưởng ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn, Giám đốc Ký túc xá sinh viên Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) khi đến thăm và chúc mừng Tổng lãnh sự quán Vương quốc Campuchia tại TP.HCM vào ngày 7/11 nhân kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia. |
Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam: Tạo đột phá để vươn lên trong kỷ nguyên phát triển mới Chiều 7/11 đã diễn ra Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị. |
Nguồn bài viết : Nhận định bóng đá