Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu đề nghị sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Đó là khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.
Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), đối tượng áp dụng thực hiện nội dung này chỉ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp lại ở xã không phải vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện Tiểu Dự án 3 được phân bổ theo định mức quy định, mà đối tượng thụ hưởng đúng theo quy định tại một số địa phương có số lượng ít, nguồn vốn được phân bổ nhiều, từ đó việc giải ngân sẽ không đạt được 100%.
Việc phân bổ nguồn vốn về địa phương hướng dẫn chi tiết đến từng dự án nên địa phương không chủ động được trong bố trí nguồn vốn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm sẽ dẫn đến nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương không theo đúng nhu cầu sử dụng kinh phí hằng năm.
Để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, với thực tế vốn thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia từ Trung ương giao cho các địa phương chậm như hiện nay, đề nghị Bộ Tài chính có văn bản quy định kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn được phép chuyển nguồn sang năm sau (gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh cơ chế phân bổ nguồn vốn, theo hướng giảm nguồn vốn sự nghiệp chuyển sang chi cho đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, giao thẩm quyền cho tỉnh, thành phố được phép điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, tiểu dự án.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, do có quá nhiều văn bản hướng dẫn, mỗi văn bản hướng dẫn lại dẫn chiếu nhiều văn bản có liên quan khác, gây khó khăn trong việc nghiên cứu, áp dụng thực hiện; đề nghị Ủy ban Dân tộc cần sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình; tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp của Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5, trong Chương trình ở giai đoạn I.
Đến nay, Ủy ban Dân tộc mới ban hành được khung đào tạo tại Quyết định số 752/QĐ-UBDT do đó địa phương chưa giải ngân được Tiểu dự án này.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 là việc Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Theo đại biểu, rất cần có một cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; cần thiết sớm ban hành Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp lần này.
Mục đích Nghị quyết hướng tới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc hiện nay; mang đến lợi ích thực tế, thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn…
Đối với 8 nhóm chính sách đưa vào cơ chế đặc thù lần này, hầu hết các đại biểu tán thành ở mức độ nhất định nhưng vẫn còn băn khoăn với một số cơ chế, giải pháp. Theo đó, nhiều cơ chế, giải pháp cần đưa vào một cách cụ thể, rành mạch, rõ ràng hơn để thuận lợi khi áp dụng, vừa đáp ứng được cơ sở thực tiễn đồng thời đáp ứng được cơ sở khoa học, logic, giải quyết vướng mắc và tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ giữa các bộ ngành, các địa phương và đặc biệt giữa các cấp chính quyền…
Đối với chính sách phân bổ ngân sách, đại biểu tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị có quy định rất cụ thể phân cấp giữa quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh với Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã; cần xác định vai trò của Hội đồng nhân dân cấp xã hiện nay trong việc giám sát, định hướng cho Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cụ thể như thế nào vì hầu hết các chương trình mục tiêu quốc gia đều giao cho cấp xã làm chủ đầu tư.
Vì vậy, cần có phân cấp rành mạch, tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm tròn vai theo quy định, không bị chồng chéo, chồng lấn. Từ đó, thúc đẩy tiến độ và đề cao trách nhiệm của từng cấp chính quyền trong việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia./.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ về việc cần có cơ chế đặc thù và phân cấp mạnh để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Nguồn bài viết : AOG Đá Gà