Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương đã được xác định rõ tại các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 và 8 khóa XII của Đảng; giải quyết các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung các luật qui định về tổ chức bộ máy và định hướng cải cách tiền lương đã được đề ra.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này còn hướng đến tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, phân quyền; xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; tạo cơ chế liên thông trong công tác cán bộ, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chất lượng, hiệu quả…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý, làm rõ hơn về đối tượng áp dụng của Luật Cán hộ, công chức; công tác tuyển dụng; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Các đại biểu cũng thảo luận về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo liên thông trong công tác cán bộ; về cơ chế của đơn vị sự nghiệp công lập; hợp đồng làm việc; chế độ thôi việc đối với viên chức.
Cụ thể, về ngạch công chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng công chức, viên chức Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho rằng cần giữ nguyên. Tuy nhiên, đối với công chức được bổ nhiệm chức vụ quản lý cần quy định ngạch lương theo chức vụ mới, vì ngạch lương thể hiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí làm việc của công chức. Riêng về thi tuyển công chức, viên chức, ông Hiếu cho rằng, ngoài các môn thi chuyên ngành, không nhất thiết phải thi môn ngoại ngữ, tin học (vì thí sinh đã nộp các chứng chỉ này theo hồ sơ), ngoại trừ các ngành đặc thù như: Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông…
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự án Luật cần nói rõ và trình tự thực hiện các loại hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn khi áp dụng đối với người mới trúng tuyển vào viên chức. Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cần có sự thông thoáng, nên thêm chính sách “tuyển cử” bên cạnh việc xét, thi cử nhằm tạo điều kiện để nhân tài có cơ hội làm việc và cống hiến cho đơn vị.
Về việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác, nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, đa số các đại biểu đồng tình và cho vấn đề này là thể chế hóa nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật. Các đại biểu cũng lưu ý việc áp dụng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đúng người, đúng thời điểm; công chức, viên chức đang trong thời hạn kỷ luật không được xem xét, bổ nhiệm, điều động, biệt phái.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề xuất thống nhất ngạch viên chức đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; đồng thời có cơ chế cho những người này khi quay trở lại việc làm với vai trò công chức. Bên cạnh đó, việc quy định ngạch công chức không ở cấp cơ sở (phường, xã) là chưa hợp lý, do cấp cơ sở được đánh giá không kém phần quan trọng và hầu hết các nội dung hoạt động từ Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện đều chuyển tải về cấp này. Hơn nữa, khi áp dụng điều này sẽ khiến việc tuyển dụng cán bộ ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, không tuyển được hoặc không thu hút người tài về làm việc tại cơ sở...
Dự thảo Luật sửa đổi lần này gồm 3 điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều, khoản của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 sửa đổi, bổ sung 11 điều, khoản của Luật Viên chức và Điều 3 về hiệu lực thi hành. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Nguồn bài viết : Trận đá gà 24 tỷ