2025-01-17 20:17:21

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, quyền làm chủ của nhân dân được cụ thể hóa cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến cơ sở.

Thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy dân chủ, thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đồng thuận xã hội góp phần tạo động lực phát triển

Quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là một trong những vai trò, đồng thời là chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đến các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết trong hệ thống tổ chức.

Ủy viên Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 ra mắt Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngay sau hội nghị, 100% Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 23 tổ chức thành viên đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực hiện quy định của Đảng về "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền,” Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của cả hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII; xây dựng hai chuyên đề thuộc Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Bộ Chính trị.

Ở nhiều địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tốt vai trò đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Công tác góp ý đối với cán bộ, đảng viên về phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân và tổng hợp, cung cấp các ý kiến góp ý đến cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, thông tin kết quả tiếp thu tới chủ thể góp ý được chú trọng.

Đã có 53/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 53/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Giám sát để kịp thời khắc phục thiếu sót

Giai đoạn 2019-2024, hoạt động phản biện xã hội tiếp tục được hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm triển khai, góp phần phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII trình bày Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Đỗ Văn Chiến, trong nhiệm kỳ, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân rất quan tâm.

"Điều đó thể hiện qua công tác chỉ đạo, theo dõi các nội dung giám sát, phản biện xã hội mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội triển khai; đặc biệt là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân và báo cáo giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước Quốc hội được nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao," Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 16 hội nghị phản biện xã hội. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức phản biện xã hội đối với 19 dự thảo văn bản. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 85.886 cuộc; trong đó cấp tỉnh tổ chức được 6.979 cuộc, cấp huyện đã tổ chức 16.002 cuộc; cấp xã đã tổ chức 62.905 cuộc.

Nhiều ý kiến phản biện xã hội đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước xem xét, hoàn thiện và ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Đối với công tác giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tập trung giám sát việc thực hiện những chủ trương, chính sách lớn, ưu tiên của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.

Nhiều nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mang lại kết quả tích cực, giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời khắc phục những thiếu sót, tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập trong thực thi nhiệm vụ, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.”

Đặc biệt, nhằm góp phần thiết thực trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản ánh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,” thu hút sự tham gia của đông đảo nhà báo, phóng viên, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo.

Chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, cũng như ý nghĩa lớn nhất mà Giải đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định qua các mùa tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến của những người làm báo.

Ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng, vun đắp trong quá trình làm nghề và mỗi dịp trao giải những người làm báo luôn cảm thấy tự hào về một “hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm” của mình trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham gia chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; phát huy tốt vai trò trong công tác tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Việc tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới cả về hình thức, phương pháp và nội dung, chú trọng tính phản biện, đa chiều, ứng dụng chuyển đổi số./.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động

Trải qua 43 năm với 8 kỳ Đại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; không ngừng phát huy vai trò của Mặt trận trong giai đoạn mới.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Thể thao Ngoại hạng Anh

Top