Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2024; tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4/2024, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đánh giá cao hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đối nội và đối ngoại; các hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể tại tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam đã kéo dài nhiều tuần qua, dự báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Cử tri cũng lo âu khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động ở một số địa phương; giá điện sinh hoạt, một số mặt hàng phân bón, sắt thép xây dựng tăng thời gian gần đây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, xây dựng của người dân trong khi giá các mặt hàng nông sản thì lại giảm, khó tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.
Cử tri và nhân dân băn khoăn khi giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan có biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra; có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường, bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn… Đến nay, 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm và nỗ lực lớn trong công tác giải quyết kiến nghị, trả lời ý kiến của cử tri.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Báo cáo cần làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết và trách nhiệm của các bộ, ngành để rõ về nguyên nhân, đề ra biện pháp, giải pháp sớm hoàn thành việc xử lý kiến nghị còn tồn đọng.
Đặc biệt khi Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới, các ngành chức năng, các địa phương có sự quan tâm đồng bộ để những điểm nóng, tâm tư, nguyện vọng của người dân được quan tâm giải quyết.
Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề cập đến tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng, tháng 4/2024 có 121.873 người, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý 1 năm 2024.
Vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội có những quy định theo hướng chặt chẽ hơn để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh “Rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất day dứt.” Đây là lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.
Lý giải nguyên nhân, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, phần lớn do người lao động gặp khó khăn trước mắt và chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của bảo hiểm xã hội, chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về lợi ích và các quyền lợi của người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi của người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động.
Liên quan đến giải pháp quản lý, ổn định thị trường vàng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, biến động giá vàng vô cùng phức tạp. Bộ Công an đã nắm bắt tình hình và tham mưu cho Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó tập trung kiến nghị những giải pháp quan trọng liên quan đến an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia; tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng như cơ chế can thiệp vào giá mua - giá bán, cơ chế can thiệp vào cung-cầu; kịp thời bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua-giá bán vàng miếng; ban hành quy định trách nhiệm của cơ quan liên quan trong quản lý thị trường vàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm soát tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm vàng miếng.
Bộ cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng như bắt buộc xuất hóa đơn bán hàng điện tử online, quy định về thuế giá trị gia tăng, mã số, mã vạch… nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không có hóa đơn, chứng từ.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lưu ý Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tăng cường quản lý; không để xảy ra các hoạt động kinh doanh vàng vi phạm pháp luật như hiện nay như: vàng giả, vàng nhái SJC; kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm để đấu tranh, xử lý./.
Nguồn bài viết : GAME BÀI 3D