Ngày 11/1/2024 đánh dấu 55 năm ngày Việt Nam và Thuỵ Điển thiết lập quan hệ ngoại giao. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/1/1969, khi Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập, thống nhất đất nước. Suốt lịch sử 55 năm, hai nước đã thiết lập quan hệ hữu nghị, tin cậy trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp này, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thuỵ Điển Trần Văn Tuấn.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về những thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Thuỵ Điển trong 55 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy và đâu là những điểm cần tiếp tục củng cố?
Đại sứ Trần Văn Tuấn: Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với bề dày lịch sử 55 năm. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hai nước đã tích cực xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị, lòng tin chính trị và tình cảm hữu nghị dành cho nhau là tài sản quý báu của hai quốc gia. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, hỗ trợ hết sức quý báu cả về tinh thần và vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc Đổi mới, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg đã phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6/2022 rằng Thụy Điển luôn coi Việt Nam là người bạn tốt, là đối tác quan trọng tại Đông Nam Á.
Trong buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực thúc đẩy và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tham gia giải quyết những vấn đề quốc tế cộng đồng quan tâm.
Về kinh tế-xã hội, từ năm 1967 đến năm 2013, Thụy Điển là nước Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng thể chế, luật pháp, nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, y tế, môi trường...
Một số công trình biểu tượng do Thụy Điển giúp đỡ Việt Nam xây dựng như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Uông Bí... đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.
Từ cuối năm 2013, quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn đối tác bình đẳng cùng có lợi. Thương mại song phương cũng đã có những bước tiến đáng kể với tổng kim ngạch thương mại năm 2022 đạt trên 1,5 tỷ USD. Năm 2023, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn nên hoạt động thương mại giữa hai nước không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều 11 tháng đầu năm vẫn đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Thụy Điển (SCB) công bố tháng 12/2023, Thụy Điển là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Bắc Âu và ngược lại, Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại Đông Nam Á.
Về văn hóa-giáo dục-khoa học: Thông qua hoạt động của tổ chức Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) những năm trước đây, Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia, kỹ sư trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng, sinh học, y học và báo chí.
Một số trường đại học, viện nghiên cứu hai nước đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo và trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, học thuật, như giữa Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Hàng hải Việt Nam... với Viện Karolinska, Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Đại học Lund, Đại học Hàng hải Thế giới của Thụy Điển. Các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước cũng được quan tâm thúc đẩy.
Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam-Thụy Điển trên một số lĩnh vực vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, cụ thể như hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp hai nước sang nhau còn nhiều hạn chế.
Tính đến tháng 6/2023, tổng số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Thuỵ Điển vào Việt Nam mới đạt 680,49 triệu USD và Việt Nam chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư vào Thụy Điển. Hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa-giáo dục-khoa học chưa diễn ra thường xuyên; số lượng du học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Điển còn ít... Nguyên nhân chủ yếu là do vị trí địa lý của hai nước cách khá xa nhau và hai bên chưa có đường hàng không cũng như đường hàng hải kết nối trực tiếp.
Mặc dù vậy, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, truyền thống lâu năm giữa hai nước, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ hiện nay, Việt Nam và Thụy Điển có thể sớm khắc phục được những điểm yếu nêu trên để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ lợi ích của người dân hai nước.
- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trong các vấn đề quốc tế tại các diễn đàn đa phương?
Đại sứ Trần Văn Tuấn: Trong quan hệ song phương, hai bên có nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác ở rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà bên này có thế mạnh và bên kia có nhu cầu.
Trước hết, hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây chính là lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh, đi đầu trên thế giới, trong khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mục tiêu phát triển của Việt Nam hiện tại cũng như lâu dài đều hướng tới chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đánh giá rất cao cam kết chống biến đổi khí hậu của Chính phủ Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, hai nước có tiềm năng hợp tác tốt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm như: công nghệ thu giữ carbon, xử lý rác thải; Chuyển đổi Số, chuyển đổi năng lượng, quản lý tài chính; theo dõi và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...
Thứ ba, hai nước cũng có tiềm năng hợp tác hiệu quả về lao động, thương mại và đầu tư. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, có chế độ chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam đang thực sự là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.
Về việc phối hợp trên các diễn đàn đa phương, trong buổi tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị COP 28 vừa qua tại UAE, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đánh giá cao lập trường của Việt Nam về giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột quốc tế, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào thúc đẩy và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tham gia giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Tôi cho rằng, với truyền thống hợp tác và độ tin cậy chính trị giữa hai nước trong nhiều năm qua, Việt Nam và Thụy Điển sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
- Thưa Đại sứ, trong năm nay, hai nước đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao?
Đại sứ Trần Văn Tuấn: Ngay từ giữa năm 2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân dịp 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước với hình thức, quy mô và thời gian phù hợp.
Tại Thụy Điển, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một số hoạt động quảng bá văn hóa-thương mại-du lịch Việt Nam; thúc đẩy ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn doanh nghiệp lớn của Thụy Điển vào tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như đón các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm và làm việc tại Thụy Điển trong năm 2024.
Tôi tin rằng Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cũng sẽ có nhiều hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm dấu mốc 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm nay.
- Trong thời gian tới đây, Đại sứ có kế hoạch gì để thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển? Trọng tâm hợp tác Việt Nam-Thuỵ Điển trong những năm tới sẽ là gì?
Đại sứ Trần Văn Tuấn: Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị-đối ngoại, thương mại-đầu tư và khoa học-công nghệ. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Thụy Điển và Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường...; hỗ trợ doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước; vận động Thụy Điển mở cửa hơn nữa cho lao động trình độ cao của Việt Nam sang làm việc tại nước này, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, chăm sóc người già...
Để tạo thuận lợi cho hợp tác và giao thương giữa hai nước, chúng tôi đang tích cực thúc đẩy việc thiết lập đường bay thẳng và đường vận tải biển kết nối trực tiếp giữa hai quốc gia.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, tăng cường hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa hai nước, trong đó thúc đẩy cơ quan chức năng hai bên cung cấp thêm nhiều chương trình học bổng, trao đổi sinh viên, giáo viên giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tốt công tác với cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển, thường xuyên lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống tại địa bàn, duy trì văn hóa, tiếng nói, chữ viết, xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, luôn hướng về quê hương, làm cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước.
Để đạt được những bước phát triển đột phá trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực tiềm năng, rất cần có một khung quan hệ phù hợp cho hai quốc gia. Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan hai bên nỗ lực nghiên cứu, tham mưu nhằm nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân hai nước, tương xứng với lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển suốt 55 năm qua.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Ulf Kristersson, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm thành công với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển văn hóa, con người, an sinh xã hội.
Nguồn bài viết : Nhận định bóng đá