Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

2025-01-18 20:19:53

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng:

Đi đầu trong nêu gương, tham mưu, đề suất hiệu quả

Tôi cho rằng trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương rất quan trọng. Trung ương đưa ra quy định này rất hay, nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng.

Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn. Với trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ, theo tôi đầu tiên là phải làm tốt chức trách được giao. Phải rèn luyện cá nhân, bản thân, đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm. Việc được giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt.

Khi đã tham mưu thì phải mạnh mẽ, quyết liệt, chuẩn chỉnh. Ví dụ, khi Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Chính phủ ban hành các chỉ thị liên quan đến thực hành tiết kiệm trong dịp Tết, thì mỗi cán bộ Văn phòng Chính phủ phải gương mẫu, không dùng xe công đi lễ chùa, không lãng phí. Nếu mình không gương mẫu thì báo chí, người dân sẽ phản ánh ngay. Đi đâu cũng có dân biết, dân giám sát là thế. Nhưng ở đây, nếu co mình lại, không dám làm gì thì cũng không được.

Yêu cầu của Chính phủ là phải quyết liệt, phải hành động, cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất, hành động, mà chỉ rụt rè cũng không được. Rất nhiều trường hợp, tôi phải báo cáo Thủ tướng, nếu sai thì tôi phải chịu trách nhiệm, chứ đâu đơn giản. Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng. Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm, cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể, Thủ tướng yêu cầu đích danh luôn thì tôi cũng phải ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng quyết định trên cơ sở pháp luật.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Văn Thể:

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

Mục tiêu năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ GTVT theo Quyết định số 490/QĐ-BGTVT ngày 08/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính Nhà nước trong lĩnh vực GTVT, nhằm xây dựng ngành Giao thông chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững; bảo đảm sự quản lý điều hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo bước chuyển biến mới.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Văn Thể.

Để hoàn thành được mục tiêu này, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ hướng các nhiệm vụ trọng tâm vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính; gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với các nhiệm vụ quản lý nhà nước; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng, đạo đức làm việc đối với công chức, viên chức.

Theo đó, người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Bộ phải xác định nhiệm vụ được phân công và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, đề xuất với Bộ trưởng các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện thành công kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước năm 2019 hiệu quả và đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong:

Người đứng đầu nên nói ít, làm nhiều, làm hiệu quả

Tất cả sự trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị thì trước hết người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không nói chung chung mà phải thấy rõ trách nhiệm. Nơi nào xảy ra vụ việc mà phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thì đề nghị trước hết thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Phong.

Một người lãnh đạo không nhận trách nhiệm thì thôi, đã nhận phải làm đàng hoàng. Đã dám nhận chức vụ đó thì phải thấy hết trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, còn nếu thấy không đảm đương nổi thì xin nghỉ, xin thôi. Đó là sự khẳng khái, khí phách của người dân thành phố, người dân Nam Bộ.

Chức thì nhận mà làm không đến nơi đến chốn, ngại đi cơ sở, chỉ đạo thì chung chung, gây khó khăn cho đơn vị, cơ quan, làm mất niềm tin của nhân dân thì không được. Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đang trong thời kỳ chuyển giao, nhiều sở, ngành, kể cả UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều lãnh đạo mới nên cũng cần có thời gian nắm bắt công việc.

Để phát huy vai trò của người đứng đầu, mỗi lãnh đạo, cán bộ cần xây dựng cho mình tác phong sâu sát, nói ít làm nhiều, gương mẫu trong công việc và cuộc sống. Đối với mối quan hệ với nhân dân, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan phải làm tốt và có hiệu quả công tác tiếp dân, phải tăng cường đối thoại, giải quyết các vấn đề bức xúc của họ.

Bởi người dân phản ánh các bức xúc nhưng bản chất là họ tin tưởng chính quyền, vì có tin tưởng mới nói cho cán bộ nghe. Các vị đại biểu HĐND khi tiếp xúc cử tri chắc chắn biết rằng buổi tiếp xúc nào dân nói là mừng, không nói là phải suy nghĩ. Chúng ta phải lắng nghe và coi đó là việc làm thường xuyên đối với người lãnh đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh:

Đề cao trách nhiệm nêu gương  

Năm 2019, Tỉnh ủy Hà Giang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, trong đó đặc biệt là công tác tổ chức, cán bộ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, triển khai Quy định số 08-QĐi/TW.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh.

Nhằm phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TU “Về tăng cường giám sát việc thực hiện “Nói đi đôi với làm” đối với ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ sở trong tỉnh”.

Bước đầu thực hiện Chỉ thị cho thấy chuyển biến tích cực, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy nêu gương không chỉ bằng những khẩu hiệu suông, mà được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là việc 100% các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang không sử dụng xe công đưa, đón từ nhà đến cơ quan; hầu hết cấp ủy các cấp, các cơ quan, địa phương không tổ chức ăn uống khi tổ chức hội nghị, chúc mừng khen thưởng, chuyển công tác…

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã ban hành Quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã thực hiện phân công Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi, giám sát, phụ trách các Đảng bộ huyện, xã. Qua triển khai thực hiện chỉ thị, nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ sở trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm rõ rệt hơn trong công việc được giao; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận trong nhân dân; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng gia đình, tổ dân, khu phố văn hóa...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Văn Đọc:

Thủ trưởng nào phong trào ấy

Thời gian qua, Quảng Ninh đã chủ động ban hành Quy định số 04-QĐ/TU ngày 7/6/2017 về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, ”tự diễn biễn”, ”tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nguyễn Văn Đọc.

Chúng tôi xác định nghiêm túc triển khai quy định nêu gương sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc tính tiền phong, gương mẫu không chỉ là ở các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Trung ương, mà là yêu cầu đối với người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh, gắn với trách nhiệm, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của địa phương, đơn vị.

Trách nhiệm nêu gương phải được thực hiện từ trong các việc cụ thể, trong sinh hoạt, trong công việc, tại cơ quan, cũng như tại gia đình... bởi “thủ trưởng nào phong trào ấy”; nếu cấp trên có 1 sự việc không nêu gương, thì cấp dưới sẽ có 3,4 sự việc không nêu gương.

Từ những giải pháp quyết liệt về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội với kết quả đổi mới rõ nét trong diện mạo địa phương, chất lượng cuộc sống, vị thế ngày càng nâng cao của tỉnh, niềm tin của nhân dân Quảng Ninh vào sự lãnh đạo của Đảng, tỷ lệ tăng từ 79% năm 2017, đến năm 2018 là 85,1%.

Trong năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các quy định về rèn luyện đạo đức, lối sống và cam kết không suy thoái, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả cơ chế nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp theo tinh thần Quy định số 08-QĐ/TW. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát để Quy định số 08-QĐi/TW thực sự đi vào cuộc sống, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, đồng thời phát hiện, biểu dương lan tỏa những nhân tố tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất xứng tầm nhiệm vụ của một tỉnh tiên phong đi đầu, sáng tạo và đổi mới.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ÊBan Y Phu:

Người đứng đầu không được để xảy ra “Lợi ích nhóm”

Trong những năm qua, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu của cơ quan, đơn vị luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo thông qua các quy định về nêu gương. Cá nhân tôi đánh giá rất cao về sự quyết liệt và tính thời sự của các nội dung được đề cập trong các quy định nêu trên.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ÊBan Y Phu.

Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp người đứng đầu phạm phải chủ nghĩa cá nhân hoặc chưa phát huy được vai trò thủ lĩnh, đầu tàu gương mẫu của mình trong điều hành cơ quan, đơn vị mình, dẫn đến sai phạm trong các hoạt động, nhất là trong công tác cán bộ.

Trước những thách thức mà thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra cũng như những biến động của tình hình kinh tế, chính trị của thế giới và khu vực thì vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị ngày càng trở nên quan trọng.

Người đứng đầu có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ có tác động tích cực đến các hoạt động của địa phương, đơn vị. Thể hiện qua việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tại địa phương, đơn vị sẽ được đảm bảo về mặt hiệu quả, không để xảy ra “lợi ích nhóm”, tiêu cực, vụ lợi; phát huy dân chủ, sức mạnh và trí tuệ của tập thể.

Bên cạnh đó, khi người đứng đầu nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; chủ động, kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền... sẽ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; gắn với tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, Nguyễn Nho Trung:

Cán bộ, đảng viên sẽ luôn tiên phong đi đầu  

Trong thời gian qua, Đà Nẵng có những xáo trộn về nhân sự, nhưng với tinh thần tiên phong của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân, nên Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2019 đã được HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua.

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, Nguyễn Nho Trung.

Vấn đề quan trọng là phải đưa nghị quyết vào thực tiễn với sự năng động, quyết liệt, trách nhiệm, có tư duy, cách làm mới, mà trong đó cán bộ, đảng viên, đại biểu hội đồng nhân dân phải thực sự gương mẫu. Bài học kinh nghiệm sâu sắc mà chúng ta rút ra từ những yếu kém, hạn chế trong thời gian qua là khâu tổ chức thực hiện.

Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của thành phố phải khoa học, sâu sát, kịp thời, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo tiến độ, hiệu quả; trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo các cấp phải cụ thể, rạch ròi; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tình trạng trên nóng dưới lạnh trong tổ chức thực hiện; tình trạng họp nhiều nhưng không hiệu quả; có giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc họp; phát huy cao độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, lắng nghe và trách nhiệm với những kiến nghị, bức xúc của cử tri.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đà Nẵng sẽ phải thường xuyên, liên tục, chặt chẽ; kỷ cương hành chính phải được đề cao và chế tài xử lý phải hết sức nghiêm minh, kịp thời. Qua đó, có thể khẳng định, các nghị quyết cơ bản được triển khai nghiêm túc, để những cam kết, lời hứa được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân thành phố đánh giá cao.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Võ Thành Thống:

Người đứng đầu phải tiên phong gương mẫu

Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc thực hiện nêu gương của người đứng đầu, trong năm 2019, TP Cần Thơ đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chủ trương này: Thành phố sẽ chỉ đạo thủ trưởng các ngành, các địa phương tổ chức học tập, quán triệt Quy định số 08-QĐ/TW thực sự có hiệu quả để nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn thể đội ngũ CBCCVC thành phố, gắn với tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Võ Thành Thống.

Thành phố yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện tốt các quy định nêu gương, trọng tâm là Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Cần Thơ cũng sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong việc nêu gương, phê phán những trường hợp chưa làm tốt, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật và Quy định số 03-QĐ/TU ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.  

Nhóm phóng viên báo Tin tức
Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác...

Nguồn bài viết : Dự đoán xổ số

Top