Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Đây là thông tin được Trung ương Giáo hội Việt Nam cho biết tại cuộc họp báo báo ngày 11/10.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, sau hai lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008 (tại Hà Nội) và năm 2014 (tại Ninh Bình), để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam, đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam. Đại lễ Vesak 2019 có chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Các diễn đàn sẽ được tổ chức xung quanh chủ đề chính.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 và hội thảo khoa học quốc tế dự kiến sẽ đón tiếp khoảng 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và đồng bào Phật tử, nhân dân Việt Nam. Phiên họp trù bị lần thứ nhất về Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 diễn ra từ ngày 11/10 - 12/10 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các nước Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hungary, Na Uy, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar và Malaysia.
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (ICDV) cho biết, Ủy ban sẽ ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2019 ICDV là cơ quan tư vấn đặc biệt cho Liên hợp quốc, đã có nhiều cố gắng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (SDG). Sứ mạng của ICDV là huy động các nhà nghiên cứu, học giả, giới chức Phật giáo đồng thuận vì một nền tảng chung theo chủ đề của Vesak.
Bên cạnh chủ đề chính là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Vesak 2019 còn có các chủ đề nhánh như tâm thế hướng tới hòa bình bền vững trên bình diện toàn cầu, cách mạng công nghiệp đối với Phật giáo, Phật tử…
Nói về địa điểm tổ chức Đại lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, với sự tập trung cao độ của Giáo hội, sự hỗ trợ của các nước, cuối tháng 12/2018, khu vực tổ chức Đại lễ tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam sẽ được hoàn thiện.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đại lễ không chỉ là nơi các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, các nhà nghiên cứu Phật học, mà cả các nhà khoa học về tự nhiên và xã hội bàn luận về vấn đề toàn cầu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, để các nước không phân biệt lớn - bé, cùng chia sẻ lợi ích và niềm tin, thông qua lễ hội văn hóa, nghệ thuật để truyền thông điệp từ bi của Đức Phật. Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc hoằng pháp, truyền tải thông điệp của Đức Phật về hòa bình, từ bi, trí tuệ tình thương, sự chia sẻ đối với mọi người, đó là một trong những nội dung của Đại lễ Vesak 2019.
Nguồn bài viết : GAME BÀI