Lưu học sinh Lào: sẽ giới thiệu cho gia đình, bạn bè những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam

2025-01-17 20:15:19
Đón Tết Bunpimay trên đất Việt: hạnh phúc như ở quê nhà
Kết nối 96 gia đình Việt với 162 sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Việt Nam

Những ngày cuối tháng 5/2024, trường Hữu nghị T78 tổ chức chuyến tham quan học tập tại Khu di tích Bạch Đằng Giang (thành phố Hải Phòng) và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho gần 200 lưu học sinh Lào đang học tập tại trường.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Khu di tích Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Hải Phòng), một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh. Tại đây, lưu học sinh Lào có cơ hội được tìm hiểu về cửa sông Bạch Đằng, một địa danh đặc biệt gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Khu di tích có 3 pho tượng lớn của các bậc danh tướng: Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sừng sững ngự trên mặt sông. Phía dưới là bãi cọc, tái tạo chứng tích lịch sử ấn tượng một thuở non sông vang dội. Các lưu học sinh bày tỏ ấn tượng với truyền thống chống giặc ngoại xâm vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Lưu học sinh Lào trường Hữu nghị T78 tham quan Khu di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) và Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: huunghit78.edu.vn)

Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Quảng Ninh với vịnh Hạ Long - một trong 7 kì quan thiên nhiên mới thế giới. Tại Hạ Long, các lưu học sinh Lào được tắm biển, đi du thuyền ngắm cảnh đẹp trên vịnh như: động Thiên Cung, Hang Đầu Gỗ, hòn trống mái, đỉnh Lư Hương... Nhiều em thích thú trải nghiệm đi cáp treo Nữ Hoàng – cáp treo có sức chứa lớn nhất thế giới, thăm vòng quay mặt trời, vui chơi ở khu công viên nước độc đáo... Đêm Gala Dinner sôi động, đầm ấm để lại trong lòng các lưu học sinh nhiều cảm xúc ngọt ngào qua lời ca tiếng hát cùng những điệu hát múa truyền thống của đất nước triệu voi.

Theo cô Nguyễn Phong Thu, Phòng Hợp tác Đào tạo, Trường Hữu nghị T78, chuyến tham quan học tập tại Bạch Đằng Giang và Hạ Long giúp các em sinh viên Lào hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, được thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc của các vùng miền trên đất nước Việt Nam. Đây sẽ là một trong những kỉ nhiệm khó quên của các em trong một năm học tập và rèn luyện tại trường Hữu nghị T78.

Trước đó, trong tháng 4/2024, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (ĐNĐN) cũng tổ chức chuyến đi thực tế ngôn ngữ và văn hoá cho 108 lưu học sinh Lào đang theo học chương trình dự bị tiếng Việt. Hành trình tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hoá tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã mang đến cho các lưu học sinh nhiều trải nghiệm thú vị.

Trở về trường sau chuyến đi, lưu học sinh Thatsany Phommasy (đến từ Thủ đô Viêng Chăn, Lào) cho biết, chuyến thực tế đã đem đến cho các em nhiều kiến thức mới, nhiều trải nghiệm thú vị và những kỉ niệm vui vẻ bên thầy cô, bạn bè. "Chúng em được hiểu biết thêm về các địa điểm nổi tiếng của lịch sử, văn hoá Việt Nam. Em nhất định sẽ giới thiệu cho gia đình và bạn bè của mình về những nơi mà em đã đến trong chuyến thực tế này”, Thatsany Phommasy nói.

Phommachk Sonexay (đến từ tỉnh Champasack, Lào) cũng hào hứng kể về những trải nghiệm của mình trong chuyến đi và cho biết “Em rất thích chuyến đi thực tế như thế này, em đã biết thêm nhiều điều mới về văn hoá Việt Nam. Các hoạt động trong chuyến đi cũng tạo cho em cơ hội để nói tiếng Việt tự tin hơn”.

Các lưu học sinh Lào trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nghe hướng dẫn viên thuyết minh bằng tiếng Việt khi tham quan bảo tàng. (Ảnh: ued.udn.vn)

Thực tế ngôn ngữ và văn hoá là một học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo dự bị tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN. Mục tiêu của học phần này là nhằm giúp các lưu học sinh có những trải nghiệm về văn hoá Việt Nam, văn hoá địa phương, giúp các bạn có cơ hội rèn luyện ngôn ngữ trong môi trường thực tế. Trong chuyến đi lần này, các lưu học sinh đã được tham quan và trải nghiệm tại: Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và di sản văn hoá thế giới Thánh Địa Mỹ Sơn.

Nhiều lưu học sinh tham gia thực tế ngôn ngữ và văn hoá cho biết, hoạt động này rất ý nghĩa cho việc học tiếng Việt của các bạn, nhất là kỳ thi tiếng Việt sắp tới. Thông qua việc giao tiếp với người dân địa phương, đọc các bảng giới thiệu tại các nơi đến, nghe hướng dẫn viên thuyết minh… các em rèn luyện kỹ năng nghe, đọc, viết và nói tiếng Việt. Đặc biệt, các em cũng được giới thiệu và thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương nơi mình đến, trong đó mỳ Quảng là món ăn được nhiều lưu học sinh yêu thích.

Thông tin từ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho biết, đây là chuyến đi thực tế ngôn ngữ và văn hoá đầu tiên dành cho lưu học sinh học chương trình tiếng Việt dự bị. Khác với những chuyến thực tế trước đây dành cho học viên thuộc các lớp đào tạo tiếng Việt giao tiếp – là những người ít nhiều đã sống, làm việc và có những tìm hiểu về lịch sử, văn hoá Việt Nam, các lưu học sinh tham gia chương trình thực tế lần này là lưu học sinh Lào được nhận học bổng của chính phủ Việt Nam, học bổng của thành phố Đà Nẵng và học bổng của tỉnh Đắk Lắk.

Theo TS Nguyễn Văn Sang, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, các điểm đến trong chuyến đi thực tế đều là những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có giá trị và ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hoá, du lịch. Vì vậy, không chỉ là một học phần bắt buộc của chương trình học tiếng Việt, chuyến đi còn là hoạt động ý nghĩa để các lưu học sinh hiểu sâu sắc hơn về văn hoá, lịch sử xứ Quảng, lịch sử Việt Nam và thêm yêu hơn đất nước, con người Việt Nam.

Ngôi nhà ấm áp của học sinh, sinh viên Lào tại Việt Nam
Lưu sinh viên Lào, Campuchia tại TP. HCM được xem phim "Đào, phở và piano" miễn phí

Nguồn bài viết : Xổ Số Power 6/55

Top