Nắng nóng, người thuê trọ lại méo mặt với hóa đơn tiền điện

2025-01-20 17:49:24
Giá điện cao gấp nhiều lần

Cao điểm của nắng nóng, là thời điểm lượng tiêu thụ điện lớn nên chi phí tiền điện lại trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ hết. Nhiều người lao động ngoại tỉnh đang phải chịu mức giá tiền điện cao ngất ngưởng, có những gia đình hàng tháng mất vài triệu đồng tiền điện.

Mai Phương (20 tuổi, Phú Thọ) đang là sinh viên thuê trọ tại khu vực Cầu Giấy. Hàng tháng, Phương được bố mẹ cho 2 triệu đồng tiền sinh hoạt phí, mỗi tháng trừ tiền phòng 700.000 đồng và điện nước, cô chỉ còn vài trăm nghìn để chi tiêu. Phòng không có điều hòa, chỉ có điện thắp sáng buổi tối, quạt điện và nồi cơm điện mà mỗi tháng Phương vẫn phải trả 200.000 - 300.000 đồng tiền điện mỗi tháng. “Giá điện ở xóm trọ là 4.500 đồng/kWh, tiền nước thì mỗi người 80.000 đồng/tháng. Khi em hỏi chủ nhà giá điện như vậy là cao so với quy định thì chủ nhà nói nếu không chịu được thì có thể chuyển đi nên em đành ngậm ngùi mà nộp tiền thôi”, Phương cho biết.

Nhiều khu trọ người thuê nhà đang phải trả tiền điện cao hơn nhiều so với quy định của nhà nước.

Khảo sát tại nhiều khu trọ tập trung đông sinh viên như khu vực Cầu Giấy (gần HV Báo chí Tuyên truyền, Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội), đường Giải Phóng (gần Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng), đường Tây Sơn (gần Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi), hầu hết các xóm trọ đều thu tiền điện với giá 4.000 - 5.000 đồng/kWh.

Tình trạng trên cũng tương tự tại các khu trọ của công nhân tại các khu công nghiệp. Với mức lương công nhân vài triệu đồng/tháng nhưng vợ chồng chị Thu Hà (công nhân trọ tại thôn Mai châu, xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) vẫn phải trả mức tiền điện 3.500 đồng/kWh.

“Mặc dù hai vợ chồng đi làm cả ngày, chỉ nghỉ ngày chủ nhật, nhà cũng chỉ có một tủ lạnh, điều hòa, điện thắp sáng nhưng mỗi tháng gia đình tôi phải trả từ 500.000 - 700.000 đồng tiền điện nước, số tiền khá cao so với đồng lương công nhân của chúng tôi”, chị Hà cho hay.

Không chỉ giá điện cao, một số trường hợp người thuê trọ còn gặp tình cảnh công tơ điện “nhảy số” liên tục. Nguyễn Lam (sinh năm 1993) mới xin việc tại một công ty trên phố Tống Duy Tân (Cầu Giấy) với mức lương khởi điểm 7 - 8 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần tìm kiếm, cô đã tìm được một phòng nhỏ tại Đình Thôn (Nam Từ Liêm) với giá 3 triệu đồng/tháng. Nhưng vừa mới chuyển về được 3 tháng nay, Lam đã “toát mồ hôi” vì tiền điện. Đi cả ngày tối mới về, có khi đi công tác gần một tuần, thiết bị điện Lam dùng chủ yếu là tủ lạnh, điện thắp sáng, thi thoảng bật điều hòa, tháng đầu cô được chủ nhà thông báo dùng hết 70 số điện.

“Tháng vừa rồi chủ nhà thông báo hết 165 số điện trong khi tôi đi công tác gần một tuần, với giá 3.500 đồng/kWh, cộng cả tiền nước và các phí khác, tôi phải trả gần 1 triệu đồng, như vậy tiền nhà, tiện điện đã chiếm một nửa thu nhập. Khi tôi thắc mắc tiền điện như vậy là quá cao so với sử dụng của mình thì chủ nhà nói rằng, họ đã xem đồng hồ từng phòng, nếu muốn thì có thể tự thay bằng đồng hồ khác”, Lam than thở.

Chủ nhà sẽ bị phạt nếu thu sai

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá điện bị áp cao như vậy bởi người thuê nhà bị chủ nhà “bắt chẹt”, đưa ra giá điện từ trước khi ký hợp đồng, nếu chấp nhận thì ở. Cùng với đó, do người thuê nhà nhiều khi cũng không nắm rõ quy định, đồng thời do không xác định ở cố định, ngại xin giấy tạm trú nên chấp nhận đóng giá cao. Với mức thu tiền điện 3.500 - 5.000 đồng/kWh điện mà nhiều người thuê trọ ở Hà Nội đang phải chịu, thì mỗi số điện chủ trọ cũng lãi được ít nhất 1.000 - 2.000 đồng, như vậy, chủ trọ dễ dàng thu về hàng triệu đồng/tháng từ việc kinh doanh điện giá cao sai quy định.

Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo Quyết định 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 quy định về giá bán điện, từ ngày 01/12/2017 mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính như sau: bậc 1 từ 0 - 50 kWh có giá 1.285 đồng, bậc 2 từ 51 đến 100 kWh có giá 1.336 đồng, bậc 3 từ 101 đến 200 kWh có giá 1.450 đồng, bậc 4 từ 201 đến 300 kWh có giá 1.797 đồng, bậc 5 từ 301 đến 400 kWh có giá 2.035 đồng, bậc 6 từ 401 kWh trở lên có giá 2.120 đồng. Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do công ty điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

“Chủ khu trọ tính giá bán điện 4.000 - 5.000 đồng/kWh là không đúng quy định pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, đại diện EVN nhấn mạnh.

Đại diện EVN cũng cho hay, trong thời gian qua, các Công ty Điện lực đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố định kỳ tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra giá bán điện của các chủ nhà trọ và đã có nhiều biện pháp xử lý các vi phạm về giá bán điện của các chủ nhà trọ theo quy định. Các công ty Điện lực đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ. Thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, tại các điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các ban điều hành khu phố, tổ dân phố, các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Chính sách giá điện cho người thuê trọ được áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt cụ thể tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT - BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định như sau:

Thứ nhất, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ), được cấp định mức hoặc áp 01 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).

Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.

Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) thì đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.



Trang Thu/Báo Tin tức
Nắng nóng, người thuê trọ lại méo mặt với hóa đơn tiền điện

Tại nhiều khu trọ hiện nay người thuê nhà phải chịu giá điện cao gấp nhiều lần so với giá Nhà nước quy định, với mức giá này, vào mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, người thuê trọ lại “méo mặt” với hóa đơn tiền điện.

Nguồn bài viết : VA Điện Tử

Top