Belarus và Việt Nam cùng chia sẻ "những ký ức không quên" |
Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Belarus: nỗ lực vun đắp quan hệ truyền thống hai nước |
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạch Dương:
Tôi đến Nga vào năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội, để học tại trường tên lửa điều khiển. Vào năm 2008, sau khi nghỉ hưu, tôi đã trở lại Nga và viết bài viết "Tôi nuôi trẻ con Nga như thế nào". Bài viết này được chọn làm kịch bản cho một chương trình truyền hình, trong đó tôi rất vinh dự được mời cô giáo cũ của mình tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạch Dương trong một tiết mục văn nghệ tại buổi Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Belarus 2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Hiện tại, tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ âm nhạc Bạch Dương, nơi quy tụ nhiều thành viên từng học tại Nga. Chúng tôi tổ chức các buổi gặp gỡ và biểu diễn văn nghệ với các bài hát tiếng Nga, đặc biệt là những bài hát về Belarus, nơi tôi từng sống ở Minsk. Dạy tiếng Nga qua âm nhạc không chỉ giúp nuôi dưỡng tình yêu tiếng Nga và văn hóa Nga cho thế hệ trẻ mà còn là cách tôi truyền tải tình yêu đối với Nga và Belarus cho các thế hệ sau, qua các hoạt động văn hóa và âm nhạc.
Ông Đỗ Văn Sơn, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Belarus:
Ông Đỗ Văn Sơn, hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Belarus. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tôi sang Liên Xô học tập vào năm 1973, chuyên ngành xây dựng nhà máy thủy điện tại Belarus. Thời gian học tập tại Belarus không chỉ trang bị cho tôi kiến thức chuyên môn mà còn để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Về nước, tôi mang theo nhiều kỷ vật quý giá như chiếc cà vạt, những lời đề tựa "Hãy nhớ về thầy/cô, Đỗ Văn Sơn" từ thầy cô giáo, cùng album ảnh, sách vở và các ghi chép tay. Những kỷ vật này không chỉ là bằng chứng cho những năm tháng học tập đầy ý nghĩa mà còn là biểu tượng của tình cảm và lòng biết ơn đối với Belarus.
Khi tôi trở lại Belarus vào năm 1992, mặc dù nhiều điều đã thay đổi, tình cảm ấm áp và sự chào đón của người dân Belarus đối với tôi vẫn không hề phai nhạt. Sự thân thiện và gắn bó của họ luôn là nguồn động viên lớn đối với tôi. Tôi mong muốn được gặp lại những người bạn cũ và thầy cô giáo, nhưng công việc đã cản trở điều đó. Hội hữu nghị Việt Nam - Belarus đã giúp tôi duy trì liên lạc với các thầy cô và bạn bè cũ. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để chia sẻ và ôn lại những kỷ niệm đẹp từ thời học tập ở Liên Xô, đồng thời tiếp tục xây dựng và củng cố quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Belarus ngày càng bền chặt.
Bà Tôn Nữ Phương Liên, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Belarus:
Bà Tôn Nữ Phương Liên (ngoài cùng bên phải) và một số thành viên Câu lạc bộ Bạch Dương chụp ảnh lưu niệm tại buổi Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Belarus 2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trong thời gian học tập ở Liên Xô, tôi đã rất yêu thích các bài hát Nga. Khi về nước, tôi tham gia Câu lạc bộ Bạch Dương, nơi các hoạt động giúp tôi ôn lại những kỷ niệm đẹp và nâng cao đời sống tinh thần. Chúng tôi tổ chức các chuyến thăm Nga và luôn mong muốn duy trì, phát triển quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Belarus cũng như giữa các thế hệ học sinh, sinh viên từng học tập tại Liên Xô.
Gia đình tôi có mối liên kết đặc biệt với Belarus: con dâu tôi đã từng sống ở Belarus và em trai của cô ấy lấy vợ người Belarus. Chúng tôi thường xuyên nấu những món ăn truyền thống của Belarus và chia sẻ những kỷ niệm, vui buồn trong gia đình, từ đó càng hiểu sâu hơn về văn hóa và con người Belarus. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để chia sẻ những kỷ niệm đẹp và xây dựng quan hệ vững chắc giữa hai nước.
Em Thái Phương Thảo, học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên:
Em Thái Phương Thảo biểu diễn ca khúc "Đôi bờ" bằng tiếng Nga. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Việc chọn học tiếng Nga của em đến từ truyền thống gia đình, tình yêu sâu đậm dành cho ngôn ngữ này và văn hóa các nước nói tiếng Nga, trong đó có Belarus. Nga và Belarus là những quốc gia có nền văn hóa phong phú, con người đôn hậu, hào phóng. Em mong muốn lan tỏa tình yêu này cho các bạn trẻ thông qua các chương trình văn hóa Slavơ và các hoạt động chiêu sinh.
Mặc dù việc học tiếng Nga ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng việc thành thạo ngôn ngữ này đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu và kết nối giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa Belarus và Việt Nam, giúp chúng em hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và con người nơi đây. Chúng em sẽ cố gắng học tốt hơn và chia sẻ về văn hóa Slavơ cùng những trải nghiệm đáng nhớ mà chúng em đã tham gia.
Cô Phạm Thị Huyền, giáo viên tiếng Nga tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên:
Cô Phạm Thị Huyền tại buổi Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Belarus 2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Hiện nay, cơ hội nhận học bổng du học tại các nước nói tiếng Nga như Liên bang Nga và Belarus rất phong phú. Để đạt được học bổng toàn phần, các em học sinh chỉ cần đạt giải trong các cuộc thi Olympic hoặc học sinh giỏi cấp quốc gia.
Khám phá văn hóa Slavơ và gặp gỡ người dân của những đất nước này khiến tình yêu của tôi với tiếng Nga ngày càng sâu đậm. Tôi mong muốn góp phần truyền bá tiếng Nga và văn hóa các nước nói tiếng Nga đến giới trẻ Việt Nam. Sự đồng cảm giữa văn hóa Slavơ và Việt Nam đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy quan hệ văn hóa. Thông qua các hoạt động như Festival tiếng Nga và các lễ hội truyền thống Slavơ, các bạn trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận gần gũi hơn với văn hóa Slavơ, từ đó phát triển tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người nơi đây.
Bạn bè Belarus tìm hiểu lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam |
Ngoại giao nhân dân: Chìa khóa hợp tác Việt Nam - Belarus |
Nguồn bài viết : EVO Trực Tuyến