Chiều 27/11, Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành biểu quyết Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 453/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,57% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng mục tiêu có ít nhất 80% số trạm y tế xã có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy khó đạt được vì khả năng tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở còn hạn chế.
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tên gọi “Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030” là phù hợp với văn bản chỉ đạo, định hướng của cấp có thẩm quyền và đã bao hàm đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động, thời gian thực hiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ tên gọi, thời gian thực hiện Chương trình đến năm 2030 và giao Chính phủ năm 2030 tổng kết việc thực hiện Chương trình, nghiên cứu, đề xuất Chương trình cho giai đoạn tiếp theo như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình (khoản 1 Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể bảo đảm tính khái quát, súc tích, toàn diện, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, mục tiêu tổng quát được thể hiện lại như sau: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, nhân dân hạnh phúc, kinh tế-xã hội phát triển bền vững”.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tuy các chỉ tiêu cụ thể được đề xuất đã dựa trên việc tiến hành đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống các giai đoạn trước, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ lựa chọn một số chỉ tiêu có tính khả thi để đưa vào dự thảo Nghị quyết và đề nghị Chính phủ nghiên cứu rà soát để thể hiện các chỉ tiêu còn lại tại các dự án triển khai thực hiện Chương trình và có giải pháp để bảo đảm thực hiện, trong đó, có giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ y tế…
Về cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình (khoản 6, Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung chính sách đặc thù thực hiện Chương trình và thống nhất với Chính phủ thể hiện tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, cụ thể như sau: “Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn” tại điểm a và bổ sung quy định “Các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình.”
Đối với nội dung về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình (Điều 2 và Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã quy định giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình; tăng cường vai trò kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời điều chỉnh những vướng mắc phát sinh khi tổ chức thực hiện tại điểm d khoản 5 Điều 1, khoản 1 Điều 2 và điểm đ khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch chi tiết từng giai đoạn, quan tâm việc phân kỳ đầu tư, đề ra lộ trình thực hiện, có giải pháp hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo cho các cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện ma túy; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện Chương trình… Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi Chương trình và ban hành quyết định phê duyệt Chương trình, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các dự án, tiểu dự án bảo đảm hiệu quả, khả thi, tránh dàn trải, lãng phí.
Dự thảo Nghị quyết cũng đã chỉnh lý “cơ sở cai nghiện ma túy công lập” thành “cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện ma túy công lập” để bao quát và toàn diện các loại hình cơ sở đang thực hiện cai nghiện ma túy.
Trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bảo đảm việc triển khai Chương trình được thành công như mong đợi của Đảng, Nhà nước, toàn dân và các đại biểu Quốc hội./.
Nguồn bài viết : Xổ số miền Nam thứ Nam