Suốt tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc, ở bất cứ giai đoạn nào, dân vận luôn là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Trong giai đoạn này, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét cả về lý luận và thực tiễn.
Với đặc thù gồm các cơ quan tham mưu chiến lược đầu não của Trung ương, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, công tác dân vận của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ dân vận; đồng thời chấn chỉnh phương thức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ và cải cách hành chính.
Đảng bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những điểm sáng triển khai mô hình dân vận khéo để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tiêu biểu, "Tổ dân phố điển hình về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện" tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng, được xem là một trong những mô hình dân vận khéo đang được các địa phương tại đây áp dụng nhằm đưa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
"Chân đi, miệng nói" là phương châm của Tổ trưởng Tổ dân phố 35, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông tâm niệm, nếu không sâu sát với bà con, việc phát triển số lượng người tham gia chính sách này rất khó.
"Khi tuyên truyền cho bà con, tôi giải thích cho người dân hiểu rõ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ có những lợi ích, quyền lợi gì, từ đó giúp bà con hiểu rõ hơn về chính sách này và tham gia, "ông Hồ Phước Tiến nói.
Là một trong những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa phương, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng chia sẻ, trước đây, chị không có thông tin và cũng không quan tâm tới bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Sau khi nghe giải thích, chị hiểu được lợi ích và tích cực tham gia, bảo đảm cuộc sống tốt hơn trong tương lai cho cả chị và các con.
Nhờ những tấm gương "Dân vận khéo" như ông Tiến, Thanh Khê được coi là một trong những điểm sáng của thành phố Đà Nẵng trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Công tác dân vận khéo đã từng bước phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của người dân vào các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Ông Lê Lành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ nòng cốt ở khu dân cư như tổ trưởng, bí thư khu dân cư vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê mới đạt được những chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao.
"Trên cơ sở các bước thực hiện chung về bảo hiểm xã hội, mỗi một tổ dân phố có cách làm riêng và đem lại kết quả thực sự rất khả quan. Ngành bảo hiểm xã hội cũng thường xuyên học hỏi, ghi nhận, tổng hợp các mô hình làm hay để gửi lại các tổ dân phố khác tham khảo, áp dụng phù hợp với tổ dân phố mình để triển khai có hiệu quả," ông Lê Lành nói.
Tương tự, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ XIII, song song kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thông qua công tác dân vận, toàn ngành Ngân hàng chủ động, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, thu nhập, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình anh Phạm Văn Hùng dân tộc Mường ở thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh cũng bắt đầu phát triển kinh tế với mô hình trồng cam, bưởi từ năm 2014.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và vốn hạn hẹp nên hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2019, từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình anh Hùng trồng thêm các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như bơ, xoài, keo. "Đến thời điểm hiện tại, kinh tế gia đình đã ổn định, duy trì việc làm thường xuyên cho 4 lao động khác," anh Phạm Văn Hùng cho biết.
Có thể nói, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách tỷ lệ hộ nghèo của huyện vùng cao giảm dần theo từng năm, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng chủ động, linh hoạt trong đổi mới phương thức làm ăn để tìm hướng thoát nghèo bền vững.
Nhiều năm liên tục, ngành Ngân hàng luôn dẫn đầu Khối các bộ, ngành Trung ương về công tác dân vận, tích cực tham gia an sinh xã hội... góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tri ân người có công và hỗ trợ các địa phương trên mọi miền Tổ quốc phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Đinh Xuân Tùng, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ và mô hình cụ thể, công tác dân vận trong Đảng bộ Khối tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Có thể kể tới một số mô hình dân vận tiêu biểu trong Đảng bộ Khối như "Cán bộ, công chức gần dân" (tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa cán bộ với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh); "kết nối nhân dân" (tạo các kênh thông tin, đường dây nóng để nhân dân có thể phản ánh ý kiến, đóng góp xây dựng chính sách); "dân vận qua các hoạt động từ thiện" hoặc "đoàn thể gắn với cộng đồng"...
"‘Một tấm gương sáng còn hơn hàng vạn bài diễn văn, thuyết trình’, qua các mô hình dân vận khéo, phương thức và phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhiều thay đổi tiến bộ. Thái độ ứng xử trong việc tiếp, trao đổi, giải quyết công việc của dân tốt hơn, đổi mới theo hướng bám sát tình hình thực tiễn, sâu sát cơ sở. Việc tham mưu chủ trương, chính sách, văn bản có chất lượng và hợp lòng dân hơn," ông Đinh Xuân Tùng nói.
Từ vị trí, vai trò rất quan trọng của Đảng bộ Khối, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối cho biết, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận; chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên quan tâm thúc đẩy công tác dân vận của đảng bộ các cơ quan nhà nước. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK về "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong đảng bộ các cơ quan Nhà nước," tập trung vào hai khâu đột phá.
Đó là nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận trong các cơ quan Trung ương.
Bên cạnh đó là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân; sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ.
Với những cách làm sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm và nội dung phù hợp, công tác dân vận của đảng bộ các cơ quan Nhà nước trong Đảng bộ Khối đã có những chuyển biến quan trọng.
Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và ban chấp hành các đoàn thể đã nhận thức đúng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác dân vận, xác định được trách nhiệm cá nhân đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
"Kết quả công tác dân vận của Đảng bộ Khối không chỉ tác động đến kết quả công tác ở các cơ quan Trung ương mà còn có ảnh hưởng quan trọng vào hiệu quả công tác dân vận trên cả nước, góp phần vào việc ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước," ông Đinh Xuân Tùng nêu.
Ông Đinh Xuân Tùng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của người làm công tác dân vận, nhất là những người đứng đầu trong huy động tinh thần đoàn kết và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước.
"Trước tiên, đó phải là người gương mẫu, xây dựng được niềm tin; tạo sự đoàn kết, định hướng tư tưởng và thúc đẩy sáng tạo. Mỗi giai đoạn cách mạng đều có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể trong công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình dân tộc, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác dân vận nói riêng, cần được triển khai sâu rộng. Bởi thành quả kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mục tiêu cuối cùng đều hướng đến người dân, đem lại một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và cuộc sống của người dân càng ngày càng phát triển, nâng cao hơn nữa," ông Đinh Xuân Tùng nói.
Trên cơ sở đó, ông Đinh Xuân Tùng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới ở Đảng bộ Khối. Đó là nâng cao hiệu quả công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; củng cố niềm tin của nhân dân.
"Chúng ta phải đổi mới phương thức làm việc sáng tạo, hiệu quả, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và nhu cầu của nhân dân; xây dựng mô hình’dân vận khéo’ mới để nhân rộng trong cộng đồng. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; qua đó quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng," ông Đinh Xuân Tùng nhấn mạnh./.
Thời gian qua, công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều đổi mới góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Nguồn bài viết : Trực tiếp bóng đá