Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, phóng viên báo Tin tức có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng về vấn nạn “chạy” này.
Thưa đại biểu Quốc hội, nhiều người cho rằng “chạy” đã trở thành một thứ văn hóa trong xã hội hiện nay, nếu muốn công việc được thuận lợi, trơn tru. Ông có đồng ý với quan điểm này?
Văn hóa là những cái gắn liền với đời sống con người nhưng nó có chiều hướng tích cực, giúp xã hội tồn tại và phát triển bền vững. Còn có những cái mà người ta cảm nhận nó có từ lâu lắm rồi, tưởng chừng nó cũng là văn hóa nhưng thực ra không phải. Đó là thói quen xấu.
Nếu nhìn kỹ thì việc đó không đem lại điều tốt đẹp cho xã hội, nó hủy hoại, làm mai một đi giá trị truyền thống, xâm hại các lợi ích trong xã hội. Quan điểm của tôi nó không phải văn hóa.
Từ thông tin chạy điểm thi một suất mất 1 tỷ đồng tại Sơn La, câu chuyện “chạy” lại được xã hội mang ra mổ xẻ. Từ khi một đứa trẻ lớn lên đi học đã phải chạy điểm vào trường tốt, lớp tốt, ra đời thì chạy việc, chạy khám chữa bệnh, chạy chức, chạy quyền… Nguyên nhân chính của tình trạng này là gì, thưa ông?
Nguyên nhân sâu xa là lòng tham của mỗi con người, không muốn chấp nhận những cái đang tồn tại công bằng trước mắt mình, muốn tìm kiếm bằng mọi cách lợi ích cho bản thân và gia đình mình, bất chấp các đạo lý, các quy định pháp luật. Bản chất cốt lõi của hành vi “chạy” chính là hối lộ, chứ nó không phải là văn hóa. Nó càng không mang lại điều tốt đẹp cho xã hội. Ở nhiều tầng nấc, hình thức khác nhau, hành vi đó diễn ra hằng ngày, ăn mòn các giá trị của đạo đức xã hội.
Không hiểu những người cha, người mẹ đi làm việc đó như thế nào, nhưng ai cũng thấy họ đang làm hư hỏng thế hệ con cháu, tạo ra một thế hệ thiếu đi lòng tự trọng, thiếu sự phấn đấu của bản thân, thiếu ý chí cống hiến và thay vào đó là sự thụ hưởng một cách vô lý, bất chấp tất cả giá trị đạo đức. Đó là tai họa.
Nó “đẻ ra” một lớp người có tư duy không vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng mà chỉ vì quyền lợi bản thân mình có thể bất chấp chuẩn mực xã hội, bất chấp quy định pháp luật.
Ông đang nhìn nhận câu chuyện “chạy” dưới góc độ chủ thể của hành vi, còn khách thể của hành vi này, tức là những người nhận tiền “chạy” thì sao?
Theo tôi, lòng tự trọng đã mất đi khi những con người đó không thể dừng bước trước cám dỗ của đồng tiền. Họ chỉ nghĩ làm sao để mình nhận được lợi ích vật chất, dù hành vi đó vi phạm đạo đức và pháp luật.
Quay lại câu chuyện lòng tham của con người, trong mỗi con người đều có phần tốt và phần chưa tốt, nó đan xen với nhau. Vì lòng tham mà họ không thể đặt phần tốt của mình lên cao hơn.
Liệu có phải pháp luật chưa đủ sức răn đe đối với những người có ý định “chạy” để nhận lợi ích cao hơn người khác, thưa ông?
Tôi nhớ có lần trên nghị trường Quốc hội có đại biểu cho rằng mọi giá trị đạo đức bị bào mòn là do kinh tế, ý kiến này nhận nhiều ý kiến phản đối. Tôi cho rằng người ta có lý do để phản đối. Chúng ta đã trải qua thời kì dài của sự phát triển, đi qua nhiều giai đoạn khó khăn, khi đó giá trị tinh thần, đạo đức luôn được tôn trọng. Không phải không có hành vi trái đạo lý nhưng nó không phổ biến, nó lẩn khuất đâu đó, trốn tránh và không xuất hiện trước công chúng. Còn nay, những hành vi đó xuất hiện phổ biến hằng ngày.
Quan điểm của tôi, trước hết phải là pháp luật. Pháp luật sinh ra từ đạo đức xã hội, nhằm giữ gìn các giá trị đạo đức, đảm bảo nền tảng phát triển của xã hội. Vì sao nền tảng đạo đức đó nay bị bào mòn.
Chúng ta nghe nhiều ý kiến của người dân, rằng pháp luật không nghiêm. Tôi cho là không phải vì pháp luật chưa đủ, mà cái chính là những người thực thi pháp luật lại không nghiêm. Chẳng hạn như những con người nhận “chạy điểm” như vừa qua thì không thể đảm bảo sẽ thực hiện nghiêm khắc, nghiêm minh, giữ gìn được đạo đức xã hội.
Đạo đức là nền tảng của xã hội, nếu giữ gìn được nó thì sẽ đảm bảo sự phát triển của xã hội. Chính những người được giao “cán cân” đảm bảo công bằng, kỉ cương xã hội thì lại không giữ được sự công tâm. Điều đó giải thích tại sao thời gian qua, Đảng và Nhà nước liên tục kêu gọi vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, người thực thi công vụ. Phải xử lý nghiêm khắc các sai phạm để đảm bảo có đội ngũ mạnh và trong sạch, thực hiện pháp luật nghiêm minh. Khi làm được điều đó thì chúng ta sẽ giữ được giá trị của đạo đức, đảm bảo yếu tố nền tảng cho sự phát triển của xã hội.
Xin cám ơn ông.
Nguồn bài viết : Live22 Điện Tử