Hợp tác địa phương: Điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hà Lan |
Hoa Tulip Hà Lan được người Việt yêu thích |
Đại sứ Hà Huy Thông. (Ảnh: NVCC) |
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (2006-2010), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Hà Lan, Ủy viên Quỹ Hoà bình và phát triển Việt Nam (VPDF) Hà Huy Thông chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam những ấn tượng của mình về đất nước, con người Hà Lan nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan (9/4/1973-9/4/2023).
Hà Lan là đất nước có phong cảnh tươi đẹp, con người bình dị, hòa nhã, được mệnh danh là đất nước đáng sống nhất châu Âu. Cá nhân Đại sứ ấn tượng nhất điều gì ở quốc gia này?
Những điều ca ngợi về Hà Lan ngày nay là có thể hiểu được. Nhưng nếu ngược dòng thời gian, chúng ta sẽ thấy người Hà Lan đã phải nỗ lực vươn lên như thế nào.
Hà Lan tiếng Hà Lan (Nederland) hay tiếng Pháp (Les pays Bas) có nghĩa là vùng đất thấp, giáp biển Bắc nhiều sóng lớn, bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Khoảng 2.000 năm trước, người Hà Lan bắt đầu chống chọi với biển, đặc biệt từ khoảng thế kỷ XIII, lúc đầu bằng cách xây kè, đập để bảo vệ đất khỏi bị ngập hay xói mòn. Sau này, bằng phương pháp huyền thoại là khơi dòng nước vào đất liền, ng ười Hà Lan tạonên các bờ đề ngăn, rồi vùng đầm, tái tạo vùng đất (reclaimed land), gọi là “polder”.
Người Hà Lan cũng làm cối xay gió từ 300 năm trước để đẩy nước ra biển hay tưới tiêu cho các cánh đồng cây quả, phục vụ nông nghiệp, góp phần đưa quốc gia này trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới trong khi nông dân chỉ chiếm 2% lực lượng lao động.
Đại sứ Hà Huy Thông Thăm công trình cửa chắn nước biển nổi tiếng nhất của Hà Lan. (Ảnh: NVCC) |
Nhiều vùng đất bồi được tưới tiêu rất thích hợp để trồng hoa tulip mang thương hiệu Hà Lan. Nên đối với nhiều người nước ngoài, Hà Lan là “Mảnh đất của đê đập và polders”.
Khoảng 25-30% lãnh thổ Hà Lan hiện nằm dưới mực nước biển, nên việc đối phó nước biển dâng và biến đổi khí hậu mang tính sống còn với 16 triệu dân nơi đây.
Do đất Hà Lan tương đối phẳng, thuận tiện đi lại bằng xe đạp đi trên các bờ mương, kè, đập, thăm đồng, cây quả hay vào thành phố… dần dần, đi xe đạp trở nên phổ biến ở nước này. Khoảng 98% dân Hà Lan sở hữu và đi xe đạp. Nhiều người, có khi cả Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng đạp xe (có đường đi sơn màu riêng) đi làm hằng ngày, không chỉ vì tiện, tiết kiệm, khiêm nhường, gần dân… mà còn để tập thể dục hay chống ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tắc nghẽn giao thông…
Dần dần, “polder”, cối xay gió, hoa tulip, xe đạp… gắn liền với biểu tượng cho Hà Lan.
Khi mới đến Hà Lan, ấn tượng đầu tiên của tôi là người dân ở đây khá cao, sau mới biết cao trung bình thứ 2 thế giới: Nam là 1,83m và Nữ là 1,78m. Khi được hỏi vì sao người Hà Lan cao, thì một người địa phương nói đùa là để khỏi bị ngập nước, một người khác thì trả lời là nhờ uống nhiều sữa…
Trong bữa ăn bình thường của người Hà Lan thường có cốc sữa. Nhiều cuộc chiêu đãi thịnh soạn luôn có 3 - 4 cốc: nước trắng (một phần để thải độc tố), sữa, nước hoa quả hay nước ngọt, bia hay rượu.
Doanh thu từ ngành bơ sữa Hà Lan năm 2023 dự kiến đạt 8 tỷ USD và dự kiến tăng khoảng 3% mỗi năm đến 2027. Cùng với Mỹ, Đức, Belarus và New Zealand, Hà Lan nằm trong top 5 nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới.
Trải qua nhiều bước thăng trầm, đến nay, Hà Lan đã đạt nhiều thành tựu được thế giới ghi nhận. Các thống kê của năm 2022 cho thấy: Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 nghìn USD (thứ 13 thế giới); thứ 4/140 nước về cạnh tranh kinh tế (theo WEF); thứ 6 về đổi mới sáng tạo (theo WIPO); thứ 10 về Chỉ số phát triển con người HDI (theo UNDP) năm 2022; thứ 5 về chỉ số hạnh phúc con người (theo Liên hợp quốc) năm 2023…, xếp hạng minh bạch, không tham nhũng cao (CPI) thứ 8/180 nước trên thế giới 2023, tạo nên điều “Kỳ diệu Hà Lan” (Dutch miracle).
Đại sứ Hà Huy Thông tiếp bà con người Việt thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan ngày 16/8/2006. (Ảnh: NVCC) |
Trong thời gian công tác tại Hà Lan, chắc rằng Đại sứ có rất nhiều kỷ niệm với đất nước và con người nơi đây. Đại sứ có thể chia sẻ một vài kỷ niệm sâu sắc nhất?
Kỷ niệm thì có nhiều, trong dịp này, tôi chỉ xin chia sẻ mấy câu chuyện đời thường.
Khi tôi ngồi trên máy bay chuẩn bị hạ cánh sân bay quốc tế Schiphol (một trong 10 sân bay lớn nhất thế giới) để bắt đầu nhận nhiệm vụ mới ở Hà Lan, một hành khách mang đồ xách tay rất cồng kềnh từ hàng ghế hạng phổ thông đi chen vượt qua hạng thương gia. Thấy vậy, một hành khách Hà Lan to cao ra chặn ngang lại hỏi tại sao xách đồ cồng kềnh, nặng quá, làm phiền ảnh hưởng người khác… Chứng kiến việc này, tôi khá bất ngờ và dần hiểu mình đang đến làm việc ở một đất nước rất khác, nổi tiếng với người dân thẳng thắn, bộc trực.
Khi dần quen, tôi hỏi một số bạn ở đây rằng vì sao người Hà Lan bộc trực, câu trả lời đơn giản là vì họ trung thực, “nói từ trái tim”, nghĩ sao đúng thì làm, tiết kiệm thời gian vì dễ hơn nghĩ cách nói quanh co, vòng vèo.
Một kỷ niệm khác mà tôi mãi khắc ghi trong nhiệm kỳ làm Đại sứ ở đây là sự thành lập của Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan (VNSNL). Đầu những năm 1990, sinh viên Việt Nam có học bổng chính phủ bắt đầu sang học. Đến 2007, có khoảng 700 học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở Hà Lan. Việc thành lập VNSNL là nhu cầu chính đáng, tạo sự gắn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đi học và hướng về gia đình, quê hương.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, các cơ quan và nhất là chính các học sinh, sinh viên, ngày 18/10/2007, hơn 150 sinh viên đại diện cho sinh viên Việt Nam ở Hà Lan thành lập VNSNL.
Đến nay đã có hơn 3 nghìn sinh viên và du học sinh Việt Nam ở Hà Lan, nhiều người khi về đã tham gia làm việc trong cơ quan nhà nước hay khu vực tư nhân. Hội hiện hoạt động tích cực, lập trang web mới (VSNL), tham gia nhiều hoạt động ở sở tại và hướng về quê nhà.
Sau này tôi mới biết VSNL được coi là một trong dăm ba Hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài được thành lập bài bản nhất. Nhiều em học rất giỏi, thậm chí có những phát minh được quốc tế ghi nhận. Đến nay nhiều em đã có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, được phong hàm GS-PGS… Một số người sau làm lãnh đạo bộ, ngành, viện, đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp…
Nhiều người về nước vẫn tích cực tham gia hoạt động của Hội hữu nghị với Hà Lan ở Trung ương và địa phương, tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ song phương dưới nhiều hình thức với tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo học được khi ở Hà Lan.
Đại sứ Hà Huy Thông khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tháp tùng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm làm việc với Phó Chủ tịch Hạ viện Hà Lan, tháng 7/2014. (Ảnh: NVCC) |
Hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị với Hà Lan, Đại sứ tiếp tục tham gia vun đắp thế nào cho quan hệ giữa hai nước?
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã phát triển mạnh mẽ, từ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (năm 2010) đến nay là Đối tác toàn diện (từ 2019).
Trong những năm qua, quan hệ song phương không ngừng phát triển năng động, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh... Đây là kết quả nỗ lực của hai nước, nhất là trong nửa thế kỷ qua. Các cơ quan và nhiều người liên quan có trách nhiệm duy trì và phát triển hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Người Việt có câu “Con chim bay được cần có hai cánh”, trong khi tiếng Anh cũng có câu “Nhảy tăng-go phải có hai người” (It takes two to tango). Việc vun đắp cho quan hệ hai nước là sự nghiệp chung đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực, đầu tư liên tục và lâu dài của hai bên.
Thúc đẩy ngoại giao nhân dân là một trong những trụ cột chính của nền ngoại giao toàn diện, mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, gồm Hội hữu nghị Việt Nam-Hà Lan cùng chung tay góp sức.
Năm nay, kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan, đồng thời cũng kỷ niệm 10 năm thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Hà Lan (29/1/2013-29/1/2023). Do đó, Hội hữu nghị Việt Nam đã phối hợp với phía Hà Lan, Hội hữu nghị ở các địa phương với Hà Lan tổ chức một số sự kiện, như giao lưu bóng đá tại Đại học Hàng hải Việt Nam ngày 25/2 và sắp tới dự kiến có một số hoạt động nữa.
Cá nhân tôi tham gia một số hoạt động, như trả lời phỏng vấn, viết bài… về quan hệ hai nước, góp phần khiêm tốn của mình để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa hai bên.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Hà Huy Thông cùng Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar tham dự Giao lưu bóng đá Việt Nam-Hà Lan tại Hải Phòng ngày 25/2. (Ảnh: NVCC) |
Bệnh viện Hà Lan: công trình ghi dấu tình cảm nhân dân Việt Nam - Hà Lan |
Nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam – Hà Lan |
Nguồn bài viết : Max 3D Pro thứ 3