2025-01-17 20:17:21

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã có cuộc trả lời phóng viên TTXVN tại New York về những đóng góp của Việt Nam cho tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

Dưới đây là nội dung phỏng vấn.

- Việt Nam đang ngày càng là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Xin ông chia sẻ đánh giá về những đóng góp của Việt Nam cho Liên hợp quốc, nhất là cho hoạt động gìn giữ hòa bình trong những năm qua?

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix: Chúng tôi rất vui mừng với những đóng góp thiết thực của Việt Nam cho Liên hợp quốc, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ vì những gì đã có mà còn ở tiềm năng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Việt Nam đã triển khai lực lượng tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bệnh viện cấp 2 ở Nam Sudan và mới đây là một đơn vị kỹ thuật tới phái bộ Liên hợp quốc ở khu vực Abyei.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix trả lời phỏng vấn của TTXVN tại New York. (Ảnh: Quang Huy/ TTXVN)

Số lượng quân nhân Việt Nam tại các phái bộ gìn giữ hòa bình ngày một tăng, bao gồm cả nam, nữ và lực lượng cảnh sát, cả trên thực địa lẫn tại trụ sở chính.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá rất cao chất lượng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Tôi cho rằng đó là những tiến triển tốt, thể hiện mức độ hợp tác tuyệt vời giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

- Thưa Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông có đề xuất gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình?

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix: Liên hợp quốc mong muốn mở rộng và tăng cường hợp tác với Việt Nam. Nhân dịp Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, tôi đã gặp và thảo luận một số phương hướng với đoàn công tác của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an Việt Nam.

Chúng ta có nhiều ý tưởng tốt để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác, ví dụ như đào tạo và xây dựng năng lực, đồng thời cũng thống nhất rằng hai bên có nhiều cơ hội và nhận thấy sự cần thiết của việc tăng cường phối hợp, trước mắt là việc Việt Nam sẵn sàng triển khai các đơn vị cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Liên hợp quốc mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này với Việt Nam.

Liên hợp quốc hiện có những hoạt động gìn giữ hòa bình rất tích cực, hiệu quả và kinh nghiệm. Việt Nam không chỉ sẵn sàng tiếp tục tham gia mà còn tăng cường đóng góp và hỗ trợ cho các phái bộ.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Liên hợp quốc cũng đang tiến hành đánh giá các phương thức hoạt động gìn giữ hòa bình để thích nghi với các thách thức hiện nay trên thế giới. Và chúng tôi rất trông đợi vào sự hợp tác từ phía Việt Nam trong nỗ lực chung này. Dự kiến, sẽ có một cuộc họp cấp bộ trưởng trong thời gian tới để tập trung thảo luận về hoạt động gìn giữ hòa bình trong tương lai.

Liên hợp quốc hy vọng tới lúc đó chúng ta sẽ có được những ý tưởng tốt để triển khai sứ mệnh gìn giữ hòa bình một cách hiệu quả và phù hợp với bối cảnh quốc tế hiện nay.

- Xin Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá tầm quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai trong bối cảnh quốc tế hiện nay?

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix: Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai là một sự kiện rất quan trọng và tôi rất vui mừng khi hội nghị đã thông qua được Hiệp ước Tương lai.

Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với vai trò của Liên hợp quốc trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình và an ninh, nhất là trước những thách thức toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, xung đột, an ninh, bất bình đẳng, tình trạng thiếu tiến triển trong nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và hoạt động tội phạm xuyên quốc gia.

Tất cả những điều này cần phải được giải quyết thông qua hành động đa phương và chung tay hiệu quả hơn. Hội nghị cũng rất quan trọng đối với hoạt động gìn giữ hòa bình, bởi vì hoạt động gìn giữ hòa bình là một công cụ cần được hậu thuẫn bởi các nỗ lực đa phương và sự ủng hộ chính trị lớn hơn.

Các nhiệm vụ cần được ưu tiên hơn và thực tế hơn về những gì hoạt động gìn giữ hòa bình có thể làm./.

Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Ws168 Đá Gà

Top