2025-01-17 20:17:24

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều).

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và Ủy ban Nhân dân phường.

Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo Luật phân quyền cho Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố; xác định Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách và có không quá 11 thành viên; phân quyền trực tiếp cho Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định và báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất một số vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực. Cụ thể, dự thảo Luật giao Hội đồng Nhân dân thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố; phân quyền cho Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Dự thảo Luật cũng phân quyền cho Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng); dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng...

Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, định hướng về một số nội dung gồm về quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; về thực hiện hợp đồng xây dựng-chuyển giao; về việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao.

Khai thác, sử dụng không gian ngầm hiệu quả

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền thành phố Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Dự thảo Luật cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất (Điều 19), dự thảo Luật thiết kế 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định ngay trong Luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15 mét vào lòng đất. Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.

Phương án 2 là giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như phương án 1.

Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thực tế, nhiều nước đang triển khai rất tốt việc quản lý, sử dụng không gian ngầm.

Bày tỏ tán thành với phương án 2, ông Bùi Văn Cường cho rằng, việc giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và thành phố Hà Nội, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp, nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong luật cũng cần được quy định cụ thể mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Về quy định thu nhập tăng thêm, các đại biểu cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, tương đồng với chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho thí điểm thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác để giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô bảo đảm đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, đề nghị giữ nội dung này như Chính phủ trình để báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất, thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa thêm một bước nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật lần này cần phải được nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này./.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng với Hà Nội và cả nước

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc trình Quốc hội xem xét cả 3 nội dung tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ tạo khung khổ pháp lý, thể chế hết sức quan trọng cho Thủ đô phát triển.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Las Vegas trực tuyến

Top