Ngăn chặn các loại tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội

2025-01-18 15:13:55

Quan ngại về tình trạng xâm hại trẻ em

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thể hiện sự băn khoăn đối với số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên tăng 30,09% số vụ, 32,58% số đối tượng; bên cạnh đó, tội hiếp dâm trẻ em tăng 2,47%. Đại biểu phân tích: với số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên tăng, tội hiếp dâm trẻ em tăng, người dân rất lo lắng, bởi, thanh thiếu niên được xem là lực lượng rường cột của nước nhà, là tương lai tươi sáng của dân tộc. Tội phạm ở độ tuổi này trên 30% là điều rất đáng quan ngại.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu nêu các con số đáng suy ngẫm: Trong tổng số đối tượng phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên, 67% là ở độ tuổi từ 16-18 tuổi, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân là 21,3% trong đó là những người ông, cha, anh, em trực tiếp xâm hại, thầy cô giáo và nhân viên nhà trường là 6,2%, những người quen, những người hàng xóm là trên 60%. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi những người thân, những người quen, những người các em rất tin tưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, cần nhìn thẳng vào thực tế đó là có một số cấp ủy chính quyền, các cơ quan ban, ngành có quan tâm đến thực trạng này nhưng chưa quyết tâm, quyết liệt. Cơ quan chức năng có làm, có hành động nhưng làm chưa đồng bộ, chưa thành phong trào, xu thế như đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhiều người vẫn còn bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em để tuổi trẻ phát triển một cách lành mạnh.

Lo ngại trước tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp, có xu hướng tăng, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) dẫn chứng: Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, trên thế giới, cứ 4 trẻ em gái có 1 trẻ em bị xâm hại và tỷ lệ này là 1/6 ở trẻ em trai. Ở Việt Nam, trung bình cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có 1.189 vụ, trong đó, có 457 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 2,47% so với cùng kỳ, 184 vụ dâm ô trẻ em, 548 vụ giao cấu với trẻ em. Hằng năm, các cơ quan y tế giám định khoảng 2.000 trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, trên 80% nạn nhân bị xâm hại tình dục là các bé gái. Tuy nhiên, những con số này mới chỉ là những vụ việc được báo cáo. Thực tế, số vụ xâm hại trẻ em chắc chắn còn lớn hơn khi nhiều nạn nhân và gia đình không dám lên tiếng, các vụ việc chìm trong im lặng hoặc vì một lý do nào đó đã không được thống kê. 

Để góp phần ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em, đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao nhận thức, đạo đức, nhân cách của mỗi con người; đề cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn, tố giác, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại trẻ em; xây dựng cộng đồng thành một bức tường rào vững chắc bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.

Trong việc tăng cường phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, nhiệm vụ đó trước hết thuộc về gia đình. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý, dạy cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và cách thức phòng vệ tự bảo vệ bản thân mình. Ngành giáo dục cần nghiên cứu, đưa nội dung giáo dục giới tính vào các chương trình giảng dạy. Ngành công an đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng quy định áp dụng điều tra riêng đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em để thống nhất trong tổ chức thực hiện... 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện hệ thống văn bản pháp luật, rà soát, chỉnh sửa các quy định pháp luật chưa phù hợp và thống nhất trong đường lối quan điểm xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho trẻ nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em thời gian qua, kiên quyết không để các vụ việc chìm vào im lặng, gây bức xúc cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, cần tăng mức hình phạt thích đáng, nghiêm khắc và không thể có sự khoan hồng đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo tính dăn đe, cảnh báo cho toàn xã hội - đại biểu Triệu Thanh Dung nói.

Đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Quan tâm đến loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng: Khi công nghệ cao đã trở thành phương tiện đa năng, hữu ích, không thể thiếu của cuộc sống con người, các đối tượng phạm tội cũng đã lợi dụng triệt để thành tựu này vào hoạt động phạm tội. Về tình hình tội phạm, theo thống kê của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol, trên thế giới cứ 12 giây trôi qua có một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng việc sử dụng công nghệ cao được thực hiện trót lọt. Ở Việt Nam, tần suất của tội phạm này chưa đến mức độ như vậy nhưng hiện cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dẫn chứng từ các cụ việc: trộm tiền tại các máy ATM, sửa kết quả về kỳ thi phổ thông trung học quốc gia, đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh đang được xét xử..., đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định: Hầu hết các đối tượng phạm tội này đều am hiểu công nghệ thông tin, các đối tượng không chỉ biết dùng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội mà còn biết dùng công nghệ để xóa dấu vết, chống phát hiện. Với tội phạm công nghệ cao, tính ẩn danh của tội phạm rất lớn nên rất khó khăn với các cơ quan tố tụng trong quá trình phát hiện. Khác với tội phạm truyền thống phải đến tận hiện trường để gây án, với tội phạm sử dụng công nghệ cao đối tượng có thể ngồi ở nước ngoài hay bất kỳ đâu vẫn có thể thực hiện hành vi phạm tội. 

Theo đại biểu, cuộc đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cuộc đấu tranh mà ở đó có 3 không: không biên giới, không tiếng súng và không có sự đối mặt trực tiếp giữa kẻ phạm tội với các nạn nhân nhưng khi đã xảy ra, quy mô rất lớn, hậu quả rất nghiêm trọng và đấu tranh phát hiện hết sức khó khăn. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ đến người dân các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh. Các cơ quan tố tụng trung ương dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các cán bộ tố tụng để xây dựng đội ngũ cán bộ tố tụng đáp ứng yêu cầu mới đặt ra. Tòa án nhân dân tối cao tổng kết các vụ án xét xử trong thời gian vừa qua để ban hành các án lệ. 

Ngăn ngừa tội phạm buôn bán ma túy

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chỉ rõ: Hiện, nhiều loại tội phạm vẫn gia tăng, hoạt động của các băng nhóm tội phạm về hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, môi trường. Đặc biệt, tội phạm ma túy diễn ra phức tạp hơn, có xu hướng lan rộng từ thành thị đến nông thôn, gây hoang mang trong dư luận nhân dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo số liệu báo cáo tội phạm vi phạm pháp luật về ma túy tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2017 và vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, ngày càng manh động hơn, làm cho sự triệt phá loại hình tội phạm này của các lực lượng chức năng rất khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, gần đây, loại tội phạm giết người do ảo giác vì sử dụng ma túy gây ra có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân là các quy định điều chỉnh hành lang pháp lý về xử lý, quản lý người nghiện ma túy còn nhiều kẽ hở, bất cập so với thực tiễn của đời sống xã hội. Điều này làm cho công tác quản lý người nghiệm ma túy của các địa phương gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả, gây bất ổn cho xã hội, làm mầm mống gia tăng các loại tội phạm khác trên cả nước - đại biểu nêu ý kiến.

Để giải quyết tình trạng trên, đại biểu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các  quy định liên quan đến các Nghị định, Luật có liên quan liên quan đến công tác phòng, chống ma túy để phù hợp với tình hình thực tiễn và có chế tài đủ mạnh để áp dụng thực hiện góp phần giảm loại tội phạm này.

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo ngành công an thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các ngành đoàn thể về phòng ngừa tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn...

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến kinh tế - xã hội, tội phạm giết người, tội phạm buôn bán người...

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2025

Top