Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam thế nào?

2025-01-17 20:17:26

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều dự án Trung Quốc đáng lẽ sẽ đầu tư vào Mỹ, sẽ tìm cách đầu tư sang thị trường khác hoặc đầu tư trong nước. Có thể, họ thải các đời công nghệ cũ, dự án cũ sang các nước trong đó có Việt Nam. Những chia sẻ dưới đây của PGS. TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương sẽ làm rõ hơn về vấn đề này và cũng đưa ra những khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp.

  • Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chịu tác động 2 chiều ra sao?
  • Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Tin xấu cho các nền kinh tế châu Á?
  • Bộ trưởng Thương mại Mỹ ngủ gật khi Tổng thống Donald Trump phát biểu

PGS. TS. Phạm Tất Thắng cho biết, những nền kinh tế lớn thứ nhất, nhì thế giới luôn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, có thể làm kinh tế toàn cầu phát triển hoặc kìm hãm, rơi vào tình trạng khủng hoảng. Thời gian qua, thông tin Mỹ và Trung Quốc có khả năng nổ ra cuộc chiến tranh thương mại và thế giới nhiều lần hy vọng cả hai bên sẽ chỉ là “võ miệng” nhưng điều đó đã xảy ra. Việc này dẫn đến không ai được lợi, cả Mỹ, Trung Quốc và kinh tế toàn cầu.

Trước hết, cuộc chiến này ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, làm xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu bị vi phạm. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy, ảnh hưởng tới cung cầu trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, nó làm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chững lại và tác động tới Việt Nam.  

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Trung Quốc sẽ có rất nhiều hàng hóa, dự án không vào được thị trường Mỹ như trước đây, số này sẽ bị ứ lại. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc phải tìm cách giải quyết ở các thị trường lân cận; trong đó, có Việt Nam.

PGS. TS. Phạm Tất Thắng phân tích: Khi Trung Quốc đã ứ hàng, khả năng thanh toán bị giảm đi, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Điều này gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc theo chiều hướng giảm. Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp, rào cản kỹ thuật trong thương mại. Việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không tốt.

Nhiều dự án Trung Quốc đáng lẽ sẽ đầu tư vào Mỹ, sẽ tìm cách đầu tư sang thị trường khác hoặc đầu tư trong nước. Có thể, họ thải các đời công nghệ cũ, dự án cũ sang các nước; trong đó, có Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn và chúng ta phải cảnh giác, thận trọng với vấn đề này.

Đây là những bất lợi nhưng bên cạnh đó cũng có lợi nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế để có thể cải thiện tình hình. Hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ, sức cạnh tranh sẽ kém đi vì bị đánh thuế. Đây là cơ hội cho tất cả các hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ thuận lợi hơn. Nhưng cũng phải cảnh báo tình trạng, nhiều mặt hàng của Trung Quốc do bị đánh thuế, sẽ tìm cách nấp dưới xuất xứ của những quốc gia khác chẳng hạn như "made in Vietnam", để trốn đòn trừng phạt của Mỹ.

”Nếu chúng ta không cảnh giác, để xảy ra việc này thì sẽ ảnh hưởng quan hệ thương mại Mỹ và Việt Nam, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia về lâu dài.”,  PGS. TS. Phạm Tất Thắng bày tỏ.

Về vấn đề Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả lợi thế từ các FTA, PGS. TS. Phạm Tất Thắng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế bằng nhiều con đường, ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Việt Nam tham gia khoảng 16 hiệp định thương mại tự do, với nhiều tư cách khác nhau. Các hiệp định này đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường của đối tác.

Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản, hàng hóa của Việt Nam đã vào được thị trường này - một trong những thị trường khó tính nhất. Thậm chí, Việt Nam còn tìm được đường vào các siêu thị, hệ thống phân phối của Nhật Bản. Hay như thị trường Australia, vải, mì Chũ, phở ăn liền… đã xuất hiện. Điều này cho thấy, các hiệp định thương mại, mới đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những con đường đang mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập kinh tế tốt hơn.

Theo PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực mở ra con đường này thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các thỏa thuận trong hiệp định để thực hiện và biểu hiện bằng việc đưa hàng hóa vào thị trường đó. Ngược lại, Việt Nam cũng tiếp nhận hàng hóa chất lượng cao từ các nước vào để người tiêu dùng được hưởng những mặt hàng chất lượng, hơn là những mặt hàng trôi nổi thông qua đường biên giới.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do cũng mở ra khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư, từ các quốc gia vào Việt Nam. Dĩ nhiên, khi đàm phán phải thể hiện đang cần thu hút ở lĩnh vực nào, chẳng hạn đó phải là sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ 4.0, hay các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ đi kèm công nghệ hiện đại. Điều đó sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của Việt Nam.

Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Tất Thắng cho rằng, Việt Nam phải nghiên cứu và có quyết sách thế nào để tận dụng được. Chẳng hạn như kêu gọi đầu tư trong nông nghiệp sạch phải chỉ ra đầu tư vào vùng nào, quy mô ra sao, sản xuất hàng gì? Cùng đó, đất đai phải được giải quyết theo hướng tích tụ ruộng đất. Nhà đầu tư không thể làm việc với hàng nghìn nông dân mà chỉ làm việc với một vài doanh nghiệp. Việc này đòi hỏi quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và nhận thức của nhân dân.

Để có thể đứng vững và phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu khi mà xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, theo PGS. TS. Phạm Tất Thắng, hiện nay, thế giới đang hội nhập và tư tưởng đóng cửa đã không còn mạnh mẽ, mang tính chi phối như trước. Có một hiện tượng, như Anh rút khỏi châu Âu, nhưng lại đánh tiếng vào CPTPP; Mỹ rút khỏi TPP nhưng đánh tiếng có khả năng quay lại CPTPP.

Về góc độ kinh tế Việt Nam, Chính phủ và các bộ ngành vẫn trung thành con đường mở cửa, làm bạn với các quốc gia. Đây là tư tưởng rất đúng đắn, nhưng để thực hiện thành công thì cần điều chỉnh để nó thực sự đi vào cuộc sống.

"Chúng ta phải thấy, các rào cản kỹ thuật trong thương mại là biện pháp cần thiết trong thời đại mở cửa. Các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại được công bố công khai minh bạch ở mỗi thị trường, mỗi mặt hàng và đòi hỏi chúng ta cần phải theo dõi, đừng vấp phải nó. Chúng ta không thể nói rằng "chúng tôi là kinh tế mới nổi, đang phát triển, chưa theo kịp". Khi đã mở cửa thì phải tuân thủ theo luật chơi của thế giới.”, PGS. TS. Phạm Tất Thắng nói.

PGS. TS. Phạm Tất Thắng cũng cho biết, bản thân doanh nghiệp phải ý thức và phải làm thế nào theo dõi chặt chẽ các quy định đó, biết rõ. Bởi, các nước thường điều chỉnh các rào cản theo hướng ngày càng khó lên, nên cần phải cập nhật liên tục để thỏa mãn các yêu cầu đó. Ngoài ra cũng cần liên kết với nhau để bảo vệ, ngăn chặn tình trạng “làm bậy” ảnh hưởng đến nhau.

Nhà nước cũng nắm rõ vấn đề này để cảnh báo tới cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là với các hiệp hội ngành nghề, không thể hoạt động theo kiểu “ngồi giữa ăn hoa hồng” mà phải thực sự là công cụ tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp không vấp phải các rào cản đó. Khi có kiện tụng thì phải là nơi tập hợp ý kiến để giúp nhau cùng vượt qua…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chịu tác động 2 chiều ra sao?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bùng nổ ngày 6/7 khi 2 bên công bố áp thuế lên hàng hóa của nhau. Việt Nam có quan hệ kinh tế với cả 2 nước sẽ chịu ảnh hưởng ra sao?

Đức Dũng (TTXVN)

Tags:
  • kinh tế toàn cầu
  • thương mại
  • kinh tế
  • hàng hóa

Nguồn bài viết : BNG Điện Tử

Top