Chị Quàng Thị Kẹo - Người phụ nữ dân tộc Khơ Mú làm kinh tế giỏi | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2025-01-18 19:48:08
Chị Quàng Thị Kẹo chăm sóc đàn trâu. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Xã Huổi Một là một xã vùng III, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của huyện Sông Mã. Theo tập quán canh tác trước đây, một năm gia đình chị Quàng Thị Kẹo chỉ sản xuất một vụ trên nương. Vào những tháng giáp hạt, hai vợ chồng và con cái không đủ ăn. Với ý chí vươn lên thoát nghèo, chị Kẹo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng trồng cây ăn quả trên đất dốc. Năm 1989, gia đình chị đã quyết định bỏ nương ngô để trồng cây nhãn.

Ban đầu chưa có vốn, chưa có thêm nhân công, hai vợ chồng chị phải tự tay cắt, ghép từng gốc nhãn. Lúc đó chưa có đường bê tông vào vườn nên cứ đến mùa thu hoạch, anh chị ở trên vườn hàng chục ngày để hái nhãn rồi đưa quả về bán. Không ngại khó ngại khổ, chị đã đi nhiều nơi để tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao; sau tự mày mò, áp dụng vào vườn cây ăn quả của gia đình. Hiện gia đình chị đã cải tạo thành công vườn nhãn tạp thành vườn nhãn ghép với hơn 300 gốc và đang mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với 200 gốc xoài lai, 150 gốc bưởi, 100 gốc đào. Vườn cây ăn quả cho gia đình chị thu nhập khoảng 300 – 500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 10 hội viên phụ nữ với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. 

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị còn hỗ trợ, giúp đỡ các chị em, hội viên Chi hội phụ nữ bản Nặm Pù A vươn lên thoát nghèo. Chị Lò Thị Um, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nặm Pù A cho biết, chị Kẹo luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn từng chị em, hội viên phụ nữ ứng dụng khoa học tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp như ủ phân vi sinh từ rơm rạ và cỏ dại để làm phân bón, áp dụng cấy phân viên nén cho đồng ruộng, cấy ghép giống cao sản…; đồng thời sẵn sàng cho chị em, hội viên phụ nữ mượn giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp.
Chị Quàng Thị Kẹo chăm sóc đàn trâu. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Năm 2002, chị Kẹo đã kêu gọi 100% hội viên Chi hội Phụ nữ bản Nặm Pù A cùng tham gia trồng và chăm sóc rừng với diện tích gần 2 ha gồm 2.000 cây bạch đàn và 0,5 ha rừng thông, 1 ha vườn nhãn tập thể. Đến nay, rừng bạch đàn đã dần cho khai thác với trị giá khoảng 350.000 đồng/gốc và vườn nhãn cho thu nhập 10 triệu đồng/năm.

Vừa là tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, chị Kẹo còn là người tâm huyết với công tác Hội Phụ nữ. Năm 1990, chị Kẹo được bầu là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ bản Nậm Pù A; năm 1992 đến năm 2016 được bầu là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nậm Pù A. 26 năm tham gia công tác Hội, chị Kẹo luôn nêu cao tinh thần "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa. Bản thân gia đình chị đã hiến gần 800m2 đất làm nhà cho 2 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong bản.

Chị Cút Thị Dên, hội viên Hội Phụ nữ bản Nặm Pù A chia sẻ, gia đình chị rất khó khăn. Gia đình đông người nên đến khi chị lập gia đình không có chỗ để ở. Được gia đình chị Kẹo giúp đỡ, vợ chồng chị có đất để làm nhà. Chị Kẹo và các hội viên còn thường xuyên qua lại hỏi thăm, động viên, giúp đỡ vợ chồng và các con chị. Đến mùa thu hoạch nông sản, chị Kẹo tạo điều kiện để vợ chồng chị Dên làm thêm để có thêm thu nhập.

Theo chị Tòng Thị Tiện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sông Mã, chị Quàng Thị Kẹo không chỉ là tấm gương phụ nữ Khơ Mú làm kinh tế giỏi mà còn là người rất tâm huyết với công tác Hội Phụ nữ. Khi là Chủ tịch Chi hội Phụ nữ bản Nặm Pù A, chị luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội. Dù đã nghỉ công tác Hội Phụ nữ từ năm 2017 nhưng chị vẫn là hội viên Hội Phụ nữ tích cực. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ giúp nhau ngày công, cây con giống”, chị tiếp tục cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp để tạo điều kiện cho các hội viên Hội Phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, từ đó góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Diệp Anh
Top