Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ chính thức đưa vào vận hành từ tháng Tư tới đây sau khi kết thúc chạy thử vào cuối quý 1/2019.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, dự án không còn vướng mắc, chỉ còn khoảng 4% khối lượng thi công liên quan tới một số hạng mục thô như đường dẫn, bên trong nhà chờ... Sau khi kết thúc chạy thử, Tổng thầu Trung Quốc sẽ căn chỉnh trước khi được nghiệm thu, tiếp nhận và bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, khai thác thương mại. Giai đoạn đầu có thể thí điểm cho người dân sử dụng nhưng chưa thu phí.
“Trước khi chạy chính thức sẽ phải có kết quả đánh giá an toàn của đơn vị đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị đánh giá độc lập của Pháp,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử tối đa sáu tháng]
Đề cập đến việc kết nối hạ tầng giao thông với tuyến đường sắt trên cao, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết Sở đã có phương án tổ chức lại mạng lưới xe buýt để tăng cường kết nối với tuyến đường sắt đô thị này, tạo điều kiện cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận lợi hơn, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân cũng như áp lực giao thông trên tuyến.
Theo phương án ban đầu sẽ có khoảng 30 tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga, tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố.
Sở Giao thông Vận tải sẽ tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng đi bộ để hành khách tiếp cận thuận lợi an toàn tại các điểm dừng và nhà ga trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tính toán cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt; cải thiện hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ, hệ thống sơn kẻ, cầu vượt, cải tạo vỉa hè, lòng lề đường, cây xanh, chiếu sáng; tổ chức giao thông, bãi đỗ các phương tiện giao thông cá nhân cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị...
Ngoài ra, để khắc phục các hạn chế của hạ tầng kết nối với tuyến đường sắt, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần nghiên cứu bổ sung hệ thống biển báo, biển dừng đỗ xe khu vực các nhà ga để thuận tiện cho hành khách, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực; rà soát, điều chỉnh các điểm chờ xe buýt cho phù hợp với các nhà ga.
Thành phố cũng nghiên cứu phương án hỗ trợ vé cho hành khách, đặc biệt đối với người khuyết tật, trước mắt thực hiện miễn giảm các giá vé và giá dịch vụ đối với xe buýt; phát triển hệ thống thẻ vé thông minh; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ gửi xe đạp, xe máy cho hành khách đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Đối với các vị trí đỗ xe, ngoài các vị trí khu vực nhà ga, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu, đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận nghiên cứu thêm mặt bằng khu vực (trên hè, khu để xe tại các tòa nhà, các khu đất lân cận...), phối hợp với Sở đề xuất vị trí phù hợp để trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách, đảm bảo thuận tiện, an toàn và đáp ứng đủ nhu cầu./.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến hết quý 1 năm 2019 mới khai thác thương mại.
Nguồn bài viết : Lịch thi đấu Cúp C1