Chăm lo “giấc ngủ” các liệt sĩ Trung Quốc vì tình hữu nghị Việt - Trung

2025-01-17 20:15:19
Tương thông về văn hoá nhận thức giữa Việt Nam và Trung Quốc: Tài sản quý báu vun đắp tình hữu nghị của nhân dân hai nước
Chùm ảnh quý: Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh với Việt Nam

Chúng tôi đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc tại xã Đào Mỹ vào một buổi chiều nắng. Các phần mộ nơi đây được lau dọn sạch sẽ, mùi nhang thơm nhẹ tạo cảm giác linh thiêng.

Ở tuổi 74, ông Dương Quang Kiến (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) vẫn nhanh nhẹn và khoẻ mạnh. Ông có làn da hồng hào, nụ cười và ánh mắt hồn hậu, chân tay thoăn thoắt quét lá, tỉa cây, dọn cỏ... nơi đây. Gắn bó với công việc quản trang đã 26 năm, ông Kiến luôn coi công việc là cơ duyên của gia đình và ông được tiếp nối từ người cha của mình.

Ông Dương Quang Kiến gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc tại xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang 26 năm. (Ảnh: Đinh Hòa)

Ông kể: “Giữa năm 1997 cha của tôi vì tuổi cao sức yếu phải nghỉ công việc trông coi nghĩa trang. Lúc ấy tôi chỉ định thay ông làm đến hết năm để xã tìm người thay. Thế nhưng, cơ duyên với nơi đây dường như đã giữ tôi ở lại. Xã chưa tìm được người nên đề nghị tôi tiếp tục việc trông coi. Bản thân tôi và các thành viên trong gia đình cũng nhận thức được công việc này rất ý nghĩa. Sau này chính tôi cũng không muốn rời đi nữa. Vì vậy tôi chính thức gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc xã Đào Mỹ từ năm 1998".

Với ông Kiến, công việc quản trang này không quá mệt nhọc nhưng cần sự cần mẫn, làm việc với tấm lòng, trách nhiệm của bản thân.

Ông kể công việc của ông là quản lý, bảo vệ, chăm sóc vườn cây và các công trình khác trong nghĩa trang bảo đảm luôn sạch đẹp và trang nghiêm; đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các tổ chức, cá nhân và nhân dân đến thăm viếng nghĩa trang… Liệt kê thì nghe đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy vất vả.

“Thời tiết ôn hòa thì còn đỡ, mùa nắng nóng hay mưa rét thì khổ không nói hết. Đặc biệt, những ngày nắng gắt tháng 7, lưng áo tôi luôn ướt đẫm mồ hôi dù đã tranh thủ đi sớm, về muộn. Hay những ngày thu, dù gió mát nhưng lá rụng nhiều vô kể, có khi đổ kín cả lối đi” - ông Kiến kể.

Ông Kiến luôn chăm sóc chu đáo phần mộ các liệt sĩ Trung Quốc. (Ảnh: Đinh Hòa)

Do khoảng cách địa lý xa xôi, thân nhân các liệt sĩ Trung Quốc không thể thường xuyên đến nghĩa trang thắp hương. Vào những dịp lễ Tết, hay ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm, ông Kiến thường cùng các đoàn viên thanh niên, các em học sinh xã Đào Mỹ, các thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tỉnh Bắc Giang quét dọn, thắp hương, thắp nến tri ân và dâng hoa cho hương hồn các đồng chí. Với những ngôi mộ chưa biết tên, ông Kiến cũng luôn cố gắng chăm sóc chu đáo để các liệt sĩ được an ủi phần nào.

Ông Kiến cho biết, từ năm 2018 - 2022 có 31 đoàn với hơn 1.300 người đến viếng nghĩa trang bao gồm thân nhân liệt sĩ, các thành viên Hội cựu chiến binh Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang .

Đoàn công tác của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam do Đại sứ Hùng Ba dẫn đầu đến viếng nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc tại xã Đào Mỹ. (Ảnh: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang)

Ông kể: “Do khác biệt về ngôn ngữ nên khi các đoàn thân nhân người Trung Quốc đến thăm viếng nghĩa trang tôi không giao tiếp được nhiều. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào ánh mắt họ, cảm nhận sự ấm áp khi họ bắt tay và nói lời cảm ơn là tôi thấy có thêm động lực cho công việc của mình. Có cụ bà hơn 80 tuổi, đi lại khó khăn, phải có người dìu nhưng vẫn cố gắng theo đoàn đến viếng nghĩa trang vào tiết Thanh minh năm 2019. Đến trước mộ người thân của mình, cụ đã khóc rất lâu. Gặp tôi, cụ nắm chặt tay và nói vài câu tiếng Trung như muốn gửi gắm, nhắn nhủ giúp đỡ chăm sóc mộ phần của người thân. Hiểu được tâm tư của cụ tôi cũng nắm tay cụ, gật đầu để cụ yên tâm và cho biết sẽ nỗ lực để hoàn thành công việc của mình".

Dù chỉ nhận mức thù lao 200.000 đồng/tháng, ông Kiến vẫn tự nhủ sẽ gắn bó với công việc này cho đến khi không còn đủ sức khỏe nữa. "Tôi làm việc không phải vì tiền công hay đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi chỉ muốn chăm sóc cho hương hồn các liệt sĩ. Từ ngày làm ở đây, các chú, các bác luôn phù hộ cho tôi khỏe mạnh", ông Kiến nói.

Ở đây cũng có một số ngôi mộ của các liệt sĩ, chuyên gia Trung Quốc đã mất thông tin do những năm tháng chiến tranh khốc liệt nên vẫn vô danh. Tuy không có người thân thăm viếng, nhưng từ lâu, với ông Kiến và nhân dân bốn phương vẫn luôn coi các liệt sĩ đó là những người bạn, ân nhân của Việt Nam. Ông Kiến cũng như nhiều người dân Việt Nam khác, đặc biệt là các cựu chiến binh vẫn thường xuyên hương khói, cầu nguyện và tu sửa những nấm mộ này với tấm lòng thành kính... Ông Kiến cũng mong rằng thông tin về mộ phần tại nghĩa trang sẽ đến với nhiều người Trung Quốc hơn nữa để họ có thể tìm kiếm được người thân của mình.

Trao đổi với tạp chí Thời Đại, ông Nguyễn Thái Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung tỉnh Bắc Giang cho biết, Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc tại xã Đào Mỹ có tổng diện tích gần 1 ha với 217 mộ, được xây kiên cố ốp đá hoa cương, cùng với kiến trúc tường bao, hệ thống bồn hoa, cây cảnh đảm bảo môi trường sinh thái. Tính đến ngày nay, nghĩa trang đã trải qua 5 lần xây dựng và tu tạo nâng cấp. Đặc biệt năm 2013 nghĩa trang được nâng cấp tổng thể với quy mô hiện đại khang trang cho đến ngày hôm nay.

Không chỉ nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, Nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc tại xã Đào Mỹ cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm của Hội Hữu nghị Việt - Trung tỉnh Bắc Giang. Hội thường xuyên tổ chức giáo dục về truyền thống, tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cho thế hệ trẻ, học sinh trên địa bàn tỉnh biết ơn các liệt sĩ nước bạn đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, năm 2022, Hội đã phối hợp với 2 doanh nghiệp của Trung Quốc hỗ trợ xây nhà cho 1 hộ nghèo với số tiền 60.000.000 đồng, góp phần làm sâu sắc hơn tình cảm của nhân dân địa phương với nhân dân Trung Quốc.

“Tuy nhiên, hiện nay mức hỗ trợ cho người quản trang được trích từ ngân sách huyện còn thấp (200.000 đồng/tháng) vì vậy lãnh đạo xã hy vọng các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện về kinh phí để tăng hỗ trợ cho quản trang cũng như chỉnh trang các biển trước cổng nghĩa trang hiện chữ đã rất mờ” - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ cho biết.

Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 2 nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc được đặt tại xã Long Sơn, huyện Sơn Động với 20 phần mộ và xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang với 217 phần mộ. Đây là nơi an táng các quân tình nguyện Trung Quốc giúp Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến cứu nước.

Hội hữu nghị Việt - Trung tỉnh Bắc Giang xác định mục tiêu gắn hoạt động Hội với việc tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ các Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Quốc tại tỉnh Bắc Giang; nhất là việc đón, tiếp các Đoàn Đại sứ quán, doanh nghiệp, doanh nhân, Cựu chiến binh, thân nhân Liệt sĩ đến viếng. Điều này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn ghi nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tinh thần quốc tế cao cả của dân tộc Việt Nam.

Chuyện của những tổ ấm Việt - Trung
Người Hoa ở Việt Nam: Hòa hợp và bản sắc

Nguồn bài viết : Tải game Baccarat

Top