Học làm người Việt Nam
Từ tháng 4-2018, 4 chuyên gia y tế Cu Ba (Piter Martínez Benítez-chuyên khoa tim mạch can thiệp; Crescencio Anerio Alfonso-chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, sọ não; Aracelio Pê Guevara-chuyên khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình; Alfedo Garcia Mirete-chuyên khoa ung bướu) đã đến làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới theo chương trình hợp tác quốc tế về y tế giữa hai nước Việt Nam và Cuba.
Từ những ngày đầu đến Quảng Bình, các bác sĩ đã sớm thích nghi với cuộc sống mới. Một trong những công việc đầu tiên mà họ xác định phải làm cho bằng được là học cách sử dụng đũa trong mỗi bữa ăn thay cho thói quen dùng thìa, nĩa.
Bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tặng hoa chúc mừng các chuyên gia y tế Cuba nhân Ngày Thầy thuốc Cuba 3-12.
Mỗi dịp có bạn đến chơi nhà, các bác sĩ Cuba thường tự tay làm cơm thiết đãi. Họ sử dụng đũa khá thành thạo trong tất cả các khâu từ chế biến món ăn đến dùng bữa ăn. Với các bác sĩ, biết dùng đũa xem như là đã hoàn thành bài học đầu tiên làm người Việt Nam. Câu tiếng Việt trước tiên mà các bác sĩ học thuộc là “chúc sức khỏe”.
Bác sĩ Crescencio cho hay: "Chúng tôi nhận thấy người Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Tôi nghe nhiều người nói về cụm từ này trong những buổi liên hoan, giao lưu, gặp gỡ và trong các hội nghị, hội thảo. Vì thế, chúng tôi đã cố gắng học cách phát âm thật chuẩn để sử dụng hàng ngày. Đến nay, các bác sĩ đã có thể kê đơn thuốc cho người bệnh bằng Tiếng Việt".
9 tháng sinh sống và làm việc ở một nơi cách xa quê hương mình đến nửa vòng trái đất là quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để các chuyên gia y tế Cuba hiểu và yêu hơn đất, người Quảng Bình.
Bác sĩ Piter kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình, trước khi đến với Việt Nam, anh đã gặp một giáo sư và là đồng nghiệp của mình ở Viện phẫu thuật tim mạch Cuba, ông Horacio Perez Lopez, một trong những người từng có thời gian công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Ông Horacio đã kể cho anh nghe về lịch sử hình thành bệnh viện và những tháng ngày tươi đẹp nhất của tuổi trẻ trên đất Quảng Bình. Những kỷ niệm của giáo sư đã hun đúc trong anh một tình yêu đối với vùng đất “lạ”.
Và khi trở thành người của bệnh viện, được đón nhận nhiều tình cảm đặc biệt từ đồng nghiệp, bệnh nhân và người dân nơi đây, tình yêu ấy ngày một lớn dần lên. Bác sĩ Piter nói: "Tình cảm của các bạn đã giúp chúng tôi vượt qua rào cản lớn nhất là nỗi nhớ gia đình, quê hương. Những tháng ngày được sống, làm việc trên quê hương của các bạn sẽ là “mảng ký ức đỏ” trong tâm trí của mỗi chúng tôi".
Viết tiếp truyền thống hữu nghị, đoàn kết
Chuyên nghiệp trong công việc, giản dị và thân thiện với mọi người, các bác sĩ Cuba đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Quảng Bình. Bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho hay, sự có mặt của các bác sĩ Cuba đã tạo nên “làn gió mới” trong hoạt động chuyên môn của bệnh viện. Từ khi có các bác sĩ, người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến bệnh viện để được khám và điều trị bệnh ngày càng nhiều hơn.
Có tay nghề giỏi, các bác sĩ Cuba đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật khó trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh
Các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi nên việc triển khai các hoạt động ứng dụng kỹ thuật cao trong bệnh viện diễn ra rất thuận lợi. Không chỉ trực tiếp điều trị cho những ca bệnh khó, các chuyên gia còn chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Ở 4 chuyên khoa có chuyên gia Cuba, chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh được tăng lên rõ rệt. Các khoa đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó, như: phẫu thuật u não, phẫu thuật điều trị ung thư vú, ung thư tuyến giáp, can thiệp mạch vành, cấp cứu tim mạch, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật các dị tật bẩm sinh, phẫu thuật nội soi khớp gối… Nhờ đó, bệnh viện cấp cứu, điều trị thành công cho rất nhiều người bệnh mà không cần phải chuyển tuyến như trước đây.
Ông Chu Văn Tích ở Ba Đình, Hà Nội (nguyên là cán bộ làm việc tại đại sứ quán Cuba) bị chấn thương sọ não, tụ máu dưới màng cứng, liệt nửa người. Ông đã vượt quãng đường trên 500km để được các bác sĩ Cuba trực tiếp điều trị.
Trước đó, ông đã điều trị tại một viện lớn ở Hà Nội nhưng không cải thiện được tình trạng sức khỏe. Tại đây, ông được chuyên gia Crescencio và tập thể cán bộ y tế Khoa ngoại thần kinh của bệnh viện tiến hành phẫu thuật và kết quả thành công ngoài mong đợi.
Ông nói: "Từng sống ở Cuba nên tôi biết các bác sĩ Cuba ngoài việc rất giỏi về chuyên môn còn có phong cách giao tiếp lịch sự và thân thiện. Khi biết tin bệnh viện có bác sĩ Cuba làm việc, tôi đã quyết định để họ phẫu thuật điều trị cho mình. Và quả thực họ đã không phụ lòng tin và sự kỳ vọng của gia đình tôi…"
Không chỉ học tập về kỹ năng tay nghề, sự có mặt của các chuyên gia còn tạo điều kiện cho cán bộ y tế có cơ hội trau dồi ngoại ngữ. Hiện tại, các chuyên khoa có bác sĩ Cuba làm việc, trình độ tiếng Anh của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt.
Ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Fidel Castro, tập thể cán bộ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và các chuyên gia y tế Cuba đang cùng chung tay, góp sức để xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển, góp phần gìn giữ công trình được xem là biểu tượng của tinh thần đoàn kết hữu nghị sắt son giữa hai đất nước Việt Nam-Cuba.
Nguồn bài viết : Loto gan