Nỗi lòng của cô giáo tiếng Việt xa trường lớp vì chiến tranh |
Khai giảng lớp tập huấn nghiên cứu chiến lược quân sự khóa 5 cho quân đội Lào |
"Sabaidi - Xin chào!" là câu đầu tiên mỗi khi vào lớp của các học viên học tiếng Lào, do đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thuỷ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An mở. Cứ vào lúc 7h30 tối thứ 3 và thứ 4 hàng tuần, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Khắc Hợi, Đội phó đội vũ trang đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thuỷ lại cùng đồng đội đến hội trường đơn vị để học tiếng Lào; là một trong những học viên cao tuổi của lớp, việc đánh vần, mà lại là tiếng nước ngoài có những khó khăn nhất định, nhưng với tinh thần ham học hỏi, anh vẫn luôn là người đến sớm nhất để ôn lại những từ mới đã học từ các bài trước và sẵn sàng cho bài học mới.
Trung tá QNCN Nguyễn Khắc Hợi chia sẻ: "Mình phải cố gắng học để hiểu được tiếng nước bạn, vừa phục vụ cho nhiệm vụ vừa giao lưu, giao đổi với cán bộ của bạn Lào để hiểu thêm về văn hoá, phong tục của bạn Lào".
Lớp học tiếng Lào ở đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ (Ảnh: Anh Bách). |
Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ đứng chân trên địa bàn xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương, quản lý 6,595 km đường biên giới, gồm 4 cột mốc và 1 cửa khẩu chính. Để tạo thuận lợi trong giao tiếp và trao đổi thông tin, tình hình với các lực lượng chức năng của bạn Lào, đơn vị đã tăng cường dạy tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng có liên quan trên địa bàn. Để không bị ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, đơn vị đã bố trí thời gian học vào buổi tối, giáo viên là cán bộ của đồn đã được đào tạo tiếng Lào.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ cho biết nhiều năm nay, đơn vị đều tổ chức các lớp học tiếng Lào, duy nhất chỉ có năm 2021 do dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội nên đơn vị không tổ chức lớp. Hầu hết các lớp học cán bộ, chiến sĩ đơn vị và các đơn vị liên quan đều nhiệt tình học tập, có tinh thần trách nhiệm cao. Giáo án giảng dạy được đơn vị biên soạn thành 2 nội dung cụ thể phụ âm và hội thoại và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đảm bảo chất lượng.
Đại uý Phan Đình Tuấn, nhân viên Trinh sát đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ là người được đơn vị lựa chọn để giảng dạy cho cán bộ chiến sĩ, thành thạo tiếng Lào, đã từng tiếp xúc với nhiều địa bàn và đồng bào giáp biên giới, anh vừa giảng dạy, vừa chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ, chiến sĩ cách phát âm, vận dụng từ mới đã học để nhanh nắm bắt được kiến thức bài học. Anh Tuấn chia sẻ, học viên trong lớp đa dạng thành phần và lứa tuổi và vùng miền nên cách phát âm của mỗi người khác nhau, do đó để tạo sự hứng khởi cho người học mỗi buổi học chỉ học ít từ mới, dành nhiều thời gian cho các học viên luyện tập, trao đổi với nhau để thành thục. Cùng với đó đơn vị sắp xếp cho cán bộ làm công tác tại cửa khẩu có thời gian tiếp xúc với các lực lượng chức năng của bạn Lào để hội thoại, nâng cao khả năng giao tiếp của người học.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An quản lý đường biên giới trên bộ dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bolykhamxay nước bạn Lào. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm BĐBP Nghệ An mở 3 lớp học tiếng Lào ở các đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ và đồn Biên phòng Thông Thụ. Trong năm 2022 đã mở 3 lớp dạy tiếng Lào với gần 200 người.
Học viên của các lớp học là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Các lớp học này do đồn Biên phòng chủ trì xây dựng kế hoạc, triển khai chương trình sát với thực tế yêu cầu nhiệm vụ, trong quá trình học các lớp tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả đảm bảo chặt chẽ, chất lượng. Các học viên sau khi hoàn thành khoá học đều nắm chắc nội dung và vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác có hiệu quả.
Đại uý QNCN Phan Đình Tuấn giảng bài (Ảnh: Anh Bách). |
Điển hình, ngày 19/9, đồng chí Xì Phon, Chuẩn úy, Tiểu đội phó thuộc Đại đội 252, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BôLykhamxay ( Lào) trong khi trên đường đi công tác bị chấn thương. Ngay sau khi nhận được thông tin lực lượng đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh thuỷ đã đưa về đơn vị để chăm sóc chữa trị, nhờ đã được học lớp tiếng Lào nên việc trao đổi thông tin, thăm hỏi tình hình sức khoẻ của đồng chí Xì Phon được thuận lợi, giúp công tác chữa trị nhanh chóng và sau một ngày điều trị đồng chí đã trở về đơn vị.
Đại tá Lê Như Cương, Chính uỷ BĐBP Nghệ An cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân hai bên biên giới góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An với 03 tỉnh đối diện nước bạn Lào đòi hỏi đội ngũ cán bộ của tỉnh cần phải hiểu biết ngôn ngữ, chữ viết và phong tục tập quán của nước bạn Lào. Do vậy mong thời gian tới BĐBP Nghệ An tiếp tục quán triệt chặt chẽ các văn bản, chỉ thị của trên về công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Lào.
Làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Lào trong công tác đối ngoại. Tham mưu cho UBND tỉnh về mở các lớp tiếng Lào tại các địa bàn Biên phòng; lựa chọn đối tượng tham gia các khóa học tiếng Lào tại địa phương phải phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tập trung thu hút người học là cán bộ xã, thôn, bản; cán bộ chiến sỹ BĐBP và nhân dân nhằm phục vụ tốt các hoạt động ngoại giao nhân dân, chương trình kết nghĩa, giao lưu, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới...
Chủ động xây dựng các kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị về chương trình, giáo án, tài liệu, cơ sở vật chất cho việc mở khóa học tiếng Lào. Quá trình học phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi nắm kết quả, phân loại chất lượng học viên để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh bổ sung nhằm nâng cao chất lượng khóa học. Gắn hoạt động thực tiễn công tác với quá trình học tập, tạo điều kiện cho học viên phát triển ngôn ngữ tiếng Lào để khóa học đạt kết quả cao.
Chiến sĩ quân hàm xanh kéo nước về cho đồng bào biên giới |
Lớp học chắp cánh cho tiếng Việt |
Nguồn bài viết : ketqua