Tham nhũng luôn là vấn nạn mà các quốc gia phải đối mặt trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế làm tăng chi phí, giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, hình thành môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, bị méo mó và làm sai lệch bản chất các quan hệ kinh tế.
Tham nhũng làm thất thoát nhiều nguồn lực vào tay cá nhân, nhóm lợi ích mà lẽ ra để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích chung; làm méo mó thị trường và biến dạng thể chế, chính sách kinh tế, nguyên tắc pháp luật, bóp méo cơ cấu chi tiêu của Chính phủ, làm suy yếu hiệu quả các chương trình phúc lợi...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách-VEPR), xét về lý thuyết và thực tiễn, tham nhũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chính trị xã hội trong ngắn hạn và dài hạn. Tác động ngắn hạn có thể thấy ngay là những người có chức vụ, quyền hạn và người có liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng vị thế của mình để tước đoạt tài sản công, tài sản của người khác phục vụ mục tiêu vụ lợi cá nhân của mình. Thiệt hại của tổng thể mang lại lợi ích cho một bộ phận thiểu số, điều này làm mất công bằng trong xã hội.
Về dài hạn, tham nhũng làm cho thị trường không minh bạch, không công khai, thể chế có nhiều điểm nghẽn, thủ tục rườm rà, phát sinh nhiều giấy phép con... Việc này tạo ra những lợi ích nhóm, để cho một nhóm có thể thống trị độc quyền đối với thị trường qua giấy phép con hoặc hưởng phần chênh lệch do nắm thông tin hoặc do được sự ưu ái của những người có chức quyền, có quan hệ được hưởng lợi thế về thông tin thị trường hoặc được thị phần để phục vụ lợi ích nhóm. Những điều đó khiến chi phí xã hội tăng lên khi có tham nhũng.
Chính từ thị trường không minh bạch này đã đưa những tín hiệu sai lệch, làm méo mó thị trường, khiến việc đầu tư không đúng vào một lĩnh vực vì nó không đủ thông tin cạnh tranh, không phải là tín hiệu giá cả... Qua đó, một bộ phận nhóm lợi ích cả ở khu vực công lẫn khu vực tư đã được trục lợi từ những thị trường méo mó này.
Trong khu vực công có thể sẽ có những nguồn lực phân bổ ngân sách không đúng do dồn vào lĩnh vực dễ tham nhũng, lĩnh vực chưa thực sự bức thiết... Trong khu vực tư, người dân, nhà đầu tư đổ xô vào góp vốn, mua cổ phiếu, đầu tư vào những công ty nâng khống vốn góp, tạo thị trường ảo để trục lợi.
Xét về logic, nạn tham nhũng gây những tác động có hại cho nền kinh tế về ngắn hạn và dài hạn như vậy chống tham nhũng phải có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Trên thế giới, dưới góc độ tư vấn chính sách và tại các bảng xếp hạng đều kiến nghị đưa chỉ số minh bạch tham nhũng trở thành chỉ số về chất lượng thể chế; yêu cầu các quốc gia khi xếp hạng chất lượng thể chế phải nâng cao chỉ số cảm nhận tham nhũng. Khi nền tảng chống tham nhũng tốt, minh bạch về trách nhiệm giải trình, công khai, dân chủ đó sẽ là những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt đánh giá lĩnh vực tham nhũng khu vực tư là vấn đề khá mới mẻ, cần được tách bạch rõ ràng giữa những nội dung liên quan đến lĩnh vực dân sự, kinh tế với quan hệ hình sự, tránh bị hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, dân sự.
Chung ý kiến này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Như Phát (nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, chứ không phải được làm những gì pháp luật cho phép. Nếu doanh nghiệp đó nắm vững các quy định pháp luật, có kiến thức sâu lĩnh vực hoạt động của mình không có gì phải e ngại.
Mặt khác, quá trình xử lý hành vi tham nhũng tại một đơn vị doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần cân nhắc mức độ thực hiện hành vi để có những định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khi doanh nghiệp đó có tiềm năng phát triển, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn lao động, mỗi năm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng.
Thêm vào đó, tại các vụ án tham nhũng khu vực tư cần được làm rõ mức độ thiệt hại từ hành vi tham nhũng gây ra. Từ đó, đánh giá mức độ thiệt hại này tác động trực tiếp và gián tiếp đến các đối tác, chủ thể khác của doanh nghiệp như thế nào để làm giảm thiểu ảnh hưởng tới thị trường, cộng đồng xã hội.
Pháp luật Việt Nam quy định cá thể hóa trách nhiệm của đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Do vậy, tại các vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng khu vực tư cần được cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, tránh đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp đang hoạt động, không làm thui chột doanh nghiệp có tiềm năng, tạo cơ hội cho họ vực dậy, phục hồi và phát triển...
Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động theo yếu tố gia đình, doanh nghiệp cá nhân. Sự tách bạch giữa doanh nghiệp với cá nhân, với gia đình đó rất khó khăn nên khi cả nhóm cá nhân hoặc gia đình đó bị khép tội, doanh nghiệp đó khó có thể tồn tại và đứng vững. Đó là chưa kể đến một số trường hợp, bản thân doanh nghiệp đó chỉ là công cụ để thực hiện hành vi vi phạm, rất vướng mắc trong việc tách bạch trách nhiệm cá nhân người quản lý với pháp nhân doanh nghiệp đó.
Bài toán này đòi hỏi phải thay đổi thể chế quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch, để doanh nghiệp đó không quá phụ thuộc vào người lãnh đạo, kể cả người sáng lập ra công ty. Muốn như vậy, ngay từ đầu khâu quản trị công ty, các thỏa thuận thành lập, điều lệ công ty... phải tách bạch, quy định rành mạch trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp, tránh đi vào “vết xe đổ” của các doanh nghiệp đã từng bị đổ vỡ vì bị xử lý hành vi tham nhũng của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Giải quyết tốt bài toán này sẽ có định hướng rõ ràng duy trì hoạt động của các doanh nghiệp có vị thế tốt hoặc có khả năng để phát triển, tạo thế tự chủ độc lập cho nền kinh tế. Song song với đó, Nhà nước cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế, khơi thông mọi nguồn lực để tận dụng cơ hội đưa đất nước phát triển, vươn xa./.
Nguồn bài viết : Tin bóng đá mới nhất