Sáng 23/2, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã làm việc với Bộ Tư pháp về triển khai kế hoạch thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm: thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức các cuộc họp, buổi làm việc để đóng góp ý kiến; tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014, nghiên cứu pháp luật về công chứng của một số nước trên thế giới; lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, đăng tải công khai trên Cổng thông tin Điện tử của Chính phủ và của Bộ Tư pháp; tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật...
Dự thảo Luật gồm 10 chương, 84 Điều; được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 14 điều, sửa đổi 62 điều, bỏ 5 điều và bổ sung 8 điều trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Qua thảo luận, các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp (trong đó có lĩnh vực công chứng thuộc hoạt động bổ trợ tư pháp); bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng.
Việc sửa đổi Luật cũng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật hiện hành; tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đề nghị xây dựng dự án Luật bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng như: Bổ sung quy định cho phép tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng từ xa thông qua email, tin nhắn, website hoặc các phần mềm chuyên dụng; thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử; bổ sung quy định về hồ sơ công chứng điện tử và lưu trữ điện tử; xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Công chứng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc cho phép thực hiện công chứng trên môi trường điện tử cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá cụ thể tác động tích cực, tác động tiêu cực, làm cơ sở để xây dựng quy định cụ thể, khả thi.
Đồng thời, Chính phủ cần cung cấp Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về công chứng điện tử của các nước theo mô hình công chứng nội dung trên thế giới để các cơ quan của Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, đánh giá tính khả thi của chính sách.
Trường hợp bổ sung quy định này vào dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động công chứng ngay trong Luật Công chứng (sửa đổi) mà không giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của chính sách đã được xác định trong Luật.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương ghi nhận Bộ Tư pháp thời gian qua đã tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng dự thảo Luật đạt chất lượng cao./.
Nguồn bài viết : xsmb xổ số miền Bắc