Hàng trăm hộ dân Phú Yên sống gần trạm cấp nước vẫn thiếu nước sinh hoạt

2025-01-20 18:35:10

Thôn Hòa Mỹ nằm cách trung tâm thị xã Sông Cầu khoảng 15 km về phía Bắc theo quốc lộ 1A, phần lớn khu vực nơi đây là đồi núi và cồn cát. Năm 2014, xã Xuân Cảnh được đầu tư hơn 6,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường để xây dựng trạm cấp nước. Đây là công trình trạm cấp nước sạch được đầu tư lớn nhất tại thị xã Sông Cầu vào thời điểm đó.

Theo dự toán ban đầu, Trạm cấp nước Xuân Cảnh có 2 máy bơm để phục vụ cho 248 hộ dân. Tuy nhiên sau khi khoan thăm dò, chỉ có một giếng có nguồn nước. Vì vậy khi công trình đưa vào sử dụng năm 2016 chỉ phục vụ cấp nước cho 196 hộ dân. Giá nước được tính là 6.000 đồng/m3 với hộ gia đình. Cũng chính từ việc nguồn nước chỉ được khai thác từ một giếng nên vào mùa khô không đủ cấp nước cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khói ở thôn Hòa Mỹ cho biết: Hơn một tháng nay cả nhà phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Nước phèn nhiều, có mùi hôi nhưng tiền mua nước chỗ khác cao quá nên đành phải chịu. Trước đó, có thông báo cấp nước cho người dân 1 ngày, nghỉ 2 ngày. Nhưng do thiếu nước trầm trọng nên khi trạm cấp nước hoạt động thì những hộ dân sống gần liên tục xả nước để dự trữ; còn những hộ dân ở xa không có nước để sử dụng.

Vào thời điểm này, trời đã có mưa, lượng nước về giếng khoan tương đối dồi dào thế nhưng trạm cấp nước vẫn không thể cấp nước cho người dân vì máy móc thường xuyên bị hư hỏng, kinh phí sửa chữa không có.

Anh Lê Văn Lương, nhân viên vận hành Trạm cấp nước Xuân Cảnh chia sẻ: "Mình ráng bơm để cấp nước cho bà con thì máy bơm lại gặp sự cố. Máy mới vận hành được 10 ngày thì phải gửi đi bảo hành. Hiện nay các hồ chứa nước đặt trên cao đã cạn hết. Nếu như có kinh phí lắp đặt thêm máy bơm và giếng khoan mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu nước. Không có nước, bà con phải đi mua nước ở nơi khác với giá 80.000 đồng/m3. Chỗ nào không có người bán nước, người dân phải sử dụng lại nước giếng".

Không chỉ khó khăn về kinh phí để duy tu, bảo dưỡng trạm cấp nước, đội ngũ quản lý và vận hành trạm cấp nước lại hạn chế về chuyên môn, kỹ thuật khiến cho máy móc liên tục hư hỏng. Đây là những nguyên nhân mà chính quyền xã Xuân Cảnh lý giải cho việc trạm cấp nước hoạt động không như kỳ vọng. Để có kinh phí duy trì hoạt động của trạm cấp nước, UBND xã Xuân Cảnh đã họp dân để điều chỉnh giá nước từ 6.000 đồng/m3 lên 8.000 đồng/m3 đối với hộ gia đình, đồng thời kiến nghị bàn giao công trình lại cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên.

Ông Huỳnh Lê Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh cho biết: Chi phí để khoan 2 giếng mất 200 triệu đồng tuy nhiên thu tiền nước không đủ mà ngân sách xã cũng không có, vì vậy xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Còn mùa mưa thì máy móc lại thường xuyên hư hỏng. Chính quyền xã mong muốn cấp trên xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để khoan giếng, sửa chữa máy móc. Qua thực tiễn cho thấy đội ngũ quản lý và vận hành trạm cấp nước hạn chế về chuyên môn, kỹ thuật. Vì thế UBND xã Xuân Cảnh kiến nghị bàn giao công trình lại cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên quản lý, vận hành.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg thì phải đạt tiêu chí đưa nước sạch về vùng nông thôn để cải thiện cuộc sống cho bà con. Xã Xuân Cảnh là địa phương đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Do đó, mong muốn được sử dụng nước sạch không chỉ là nhu cầu cấp thiết của người dân mà còn là việc cần sớm giải quyết để danh hiệu xã nông thôn mới của Xuân Cảnh được giữ vững.

Thế Lập (TTXVN)
Hà Nội: Nghịch lý gần chục năm chưa xây xong trạm cấp nước sạch

Ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dù đã được phê duyệt đầu tư, cấp vốn từ ngân sách nhưng do nhiều nguyên nhân mà gần chục năm trạm cấp nước sạch vẫn chưa đưa vào sử dụng phục vụ người dân.

Nguồn bài viết : Xổ số miền Bắc Chủ nhật

Top