Xuyên suốt lịch sử ngành ngoại giao cách mạng của Việt Nam, Hiệp định Geneva về Đông Dương được đánh giá là nấc thang quan trọng trong tiến trình đi tới độc lập, tự do của đất nước, là sự thử thách bản lĩnh của nền ngoại giao non trẻ.
70 năm trôi qua, thời gian càng lùi xa, càng tôn vinh ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Hiệp định Geneva.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Geneva, ông David Fernández Puyana - Đại sứ Phái đoàn thường trực của Đại học Hòa bình (UPeace) tại Văn phòng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã có những nhận định về Hiệp định Geneva.
Ông cho biết mới đây, ông đã tham dự triển lãm ảnh do Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tổ chức. Đây là một sự kiện lớn khi ghi lại dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo ông, Hiệp định Geneva là bước tiến quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa ở Liên hợp quốc. Được thành lập vào năm 1945 khi chỉ có 54 quốc gia tự do, tới ngày hôm nay, Liên hợp quốc có gần 200 quốc gia thành viên. Ông cho rằng quá trình này thể hiện một phần lịch sử phát triển của Liên hợp quốc, trong đó liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa thực dân.
Sau Hiệp định Geneva là sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, với hàng loạt các nước thuộc địa Á-Phi giành được độc lập trong những năm cuối 1950, đầu 1960. Ông đánh giá đây là thành công của rất nhiều quốc gia.
Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc vào ngày 8/5/1954. Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết với các nội dung liên quan trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam, đó là các nước tham gia Hội nghị Geneva tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia; tuyệt đối không can thiệp vào nội trị các nước đó; Ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Đông Dương; Quân đội liên hiệp Pháp rút khỏi Đông Dương; Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân đội...
Tính đến nay, Hiệp định Geneva đã đi vào lịch sử gần 70 năm. Việc nhìn nhận lại những thành công, hạn chế, cho phép ta rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Đại sứ David Fernández Puyana cũng đưa ra những đánh giá của ông về chiến lược ngoại giao bản sắc cây tre và chính sách “4 không” của Việt Nam, với quan điểm trung lập, không chọn phe hay dựa vào nước lớn để ức hiếp nước nhỏ.
Ông cho rằng chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam đang đại diện cho phương thức ngoại giao mới, đồng thời bày tỏ hoan nghênh quan điểm này, đặc biệt là khi có các nội dung đề cao độc lập tự chủ, phù hợp với nguyên tắc của Liên hợp quốc, cũng như luôn ưu tiên cho đối thoại và xử lý các vấn đề một cách linh hoạt.
Để hiểu hơn về chính sách này cần làm rõ hơn về chính trường thế giới hiện nay, cũng như tình hình của khu vực, và cạnh tranh giữa các cường quốc.
Ông nhấn mạnh dù còn có những thách thức nhưng chính sách này sẽ giúp chứng minh cho thế giới thấy Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn coi trọng đối thoại, coi đây là hình mẫu quan trọng trong xây dựng hòa bình./.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina khẳng định xét trên bình diện quốc tế, Hiệp định Geneva 1954 là sức mạnh chính nghĩa, cổ vũ quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.
Nguồn bài viết : CHUYỆN BÓNG ĐÁ