Theo chương trình Phiên họp thứ 32, chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị xây dựng Luật Tương trợ Tư pháp về Hình sự; Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Trình bày Tờ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ là ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cũng ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội...
Bộ trưởng Tư pháp đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội.
Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở các nguyên tắc này, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với các dự án, dự thảo.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), đề nghị điều chỉnh đối với 4 dự án, dự thảo gồm: đề nghị lùi thời hạn trình 1 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đồng thời, bổ sung vào Chương trình 3 dự án, dự thảo gồm: 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (gồm: Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An); 1 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Chính phủ đề nghị bổ sung đối với 8 dự án. Cụ thể, bổ sung vào Chương trình thông qua đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Chính phủ bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Chính phủ cũng đề nghị Chương trình năm 2025 gồm 17 dự án. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), trình 17 dự án, gồm: trình Quốc hội thông qua 8 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có 2 dự án đã có trong Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 6 dự án đang được đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình.
Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án mới, bao gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), trình thông qua, dự kiến 9 dự án luật, là các dự án được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9. Trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ Tư pháp về Hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nêu rõ mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật. Việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Mục đích tiếp theo là kế thừa, phát huy các quy định còn phù hợp về tương trợ tư pháp về hình sự trong Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành; khắc phục những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Đồng thời, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước hiện hành; thống nhất, đồng bộ với các dự án Luật cùng được tách ra; bảo đảm sự phù hợp với các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Luật được xây dựng với các chính sách lớn gồm: xây dựng cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dành cho nhau sự hợp tác, tương trợ tối đa; quy định có hệ thống, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự với các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
Trình bày Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết dự kiến dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 35 khoản tại 26 điều, bổ sung mới 17 điều, 12 khoản trên tổng số 91 điều 334 khoản của Luật hiện hành.
Hội đồng Dân tộc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật tập trung vào 5 chính sách lớn.
Chính sách 1: Bổ sung quy định nguyên tắc của hoạt động giám sát; các quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình để gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Chính sách 2: Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, cơ quan của Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.
Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát.
Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.
Chính sách 5: Sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát./.
Chiều 15/4/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Nguồn bài viết : Games bài