2025-01-17 20:17:24

Trong kế hoạch triển khai, Bộ Ngoại giao xác định, việc hoàn thành phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng là thành quả quan trọng nhất, bảo vệ đường biên vững chắc, lâu dài.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 18/3, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác thu hút kinh tế, thương mại, đầu tư; quy hoạch các cửa khẩu và phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương vùng biên trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn.

Hoàn thành phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ tình hình triển khai lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận, hợp tác thu hút đầu tư trong thời gian tới để các địa phương biên giới có điều kiện mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và lợi thế sẵn có của vùng biên giới trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện Việt Nam có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Ngày 14/10/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1199/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những kết quả quan trọng đó đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế, hợp tác kinh tế qua biên giới giữa ta với các nước láng giềng.

Trong kế hoạch triển khai, Bộ Ngoại giao xác định, việc hoàn thành phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng là thành quả quan trọng nhất, bảo vệ đường biên vững chắc, lâu dài.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, điều quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, chuyển thành hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi. Do đó, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tất cả các cửa khẩu.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các địa phương, đặc biệt 3 nước đối tác, để cùng đàm phán, nâng cấp các cửa khẩu, đảm bảo cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong lưu thông hàng hóa, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và ba nước.

Về việc xuất nhập khẩu của ta sang một số đối tác còn nhiều khó khăn được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai những đột phá để thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác.

Hiện Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất, đã đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do với 60 đối tác trên thế giới để thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Trong thời gian qua, kể cả trong thời gian đại dịch COVID-19 nhiều khó khăn, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để đảm bảo cửa khẩu giao lưu hàng hóa thông suốt.

Chia sẻ các biện pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, với Trung Quốc, Việt Nam kết nối về đường bộ và đang triển khai về đường sắt; đàm phán với các bạn về những quy định, tiêu chuẩn để xuất nhập khẩu chính ngạch, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững, lâu dài.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Chung mối quan tâm về nhóm vấn đề này, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm về công tác tham mưu của Bộ với Chính phủ về kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác là thị trường lớn, chủ chốt của Việt Nam, sự hỗ trợ dành cho các địa phương trước những thời cơ và thách thức mới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, quan trọng hơn là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã làm sâu sắc hơn quan hệ với tất cả các đối tác.

Chính vì thế, chúng ta đã tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân, du lịch... và sẽ tăng cường với tất cả các nước bởi tin cậy chính trị đã được củng cố.

Thông tin về một số trọng tâm trong công tác ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, thời gian tới, sẽ phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập, nâng tầm trong thời gian qua; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao thông tin cho các bộ, ngành, địa phương để phối hợp triển khai, tranh thủ tốt nhất cơ hội đã mở ra.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện, kết nối cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (bao gồm xuất khẩu, đầu tư, du lịch...), trên cơ sở nâng tầm quan hệ với các đối tác.

Đẩy mạnh nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng...).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao việc Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thông qua các dự án cụ thể.

Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết về việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, địa phương có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước; phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu, phục vụ cho điều hành Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước; tham gia đóng góp tích cực vào các hợp tác kinh tế đa phương để duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) về quy hoạch các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược quan trọng, vừa đảm bảo củng cố quốc phòng an ninh, đồng thời tạo cơ sở để đất nước phát triển kinh tế-xã hội.

“Đó là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, những năm qua, hệ thống biên giới và cửa khẩu đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân hai bên trong giao lưu và thông thương hàng hóa.

Giai đoạn tới, chúng ta nâng tầm, nâng cấp, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, việc nâng cấp và mở rộng cửa khẩu là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ của các cơ quan Trung ương mà cả các địa phương.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đang phối hợp các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu một như ở Cao Bằng, Lạng Sơn…

"Ngoài những cặp cửa khẩu thông thường chúng ta đã nâng cấp, hiện đang triển khai các loại hình mới như cửa khẩu thông minh, nên phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và trao đổi với các đối tác, nhất là 3 nước láng giềng để triển khai thực hiện hiệu quả cao nhất," Trưởng ngành Ngoại giao khẳng định./.

Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế của UNESCO

Chiều 18/3, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn liên quan đến công tác ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2025

Top