Tham dự buổi tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu; ông Ash Narain Roy, Giám đốc Viện khoa học xã hội Ấn Độ; ông Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á; ông Gurpreet S. Khurana, Giám đốc điều hành Quỹ hàng hải quốc gia; cùng nhiều chuyên gia và học giả có uy tín khác của Ấn Độ.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định việc ông được mời phát biểu tại sự kiện này trên cương vị diễn giả đặc biệt cho thấy Ấn Độ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cấu trúc khu vực mới Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trình bày các thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương. Đây là nơi các cường quốc lớn cạnh tranh tầm ảnh hưởng, cũng là nơi chứng kiến những điểm nóng về xung đột, cạnh tranh nguồn tài nguyên, khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia…
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng nêu lên tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương đối với Việt Nam, không chỉ về kinh tế mà trên cả khía cạnh quan hệ quốc tế, khi hầu hết các đối tác chiến lược lớn nhất và đối tác kinh tế của Việt Nam đều nằm trong khu vực này, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ… Do đó, các thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương cũng là những thách thức đối với Việt Nam.
Ngoài ra, Đại sứ cũng nêu ra 4 yếu tố cơ bản của một kiến trúc khu vực mới, gồm: Thứ nhất, các kiến trúc khu vực phải mang tính toàn diện, hòa bình, hợp tác và phát triển; Thứ hai, các kiến trúc khu vực phải dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở; Thứ ba, vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa then chốt đối với bất cứ kiến trúc khu vực nào; và thứ tư, mọi sáng kiến hợp tác và kết nối đều phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, giúp tăng cường lòng tin cũng như thúc đẩy các lợi ích chung.
Cuối cùng, Đại sứ nhấn mạnh quan hệ song phương của Việt Nam với các nước khác luôn tính đến yếu tố khu vực và những nỗ lực của Việt Nam nhằm mở rộng hợp tác toàn diện với các quốc gia khác đều nhằm mục đích đóng góp vào công cuộc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và học giả đã thảo luận về việc Ấn Độ triển khai tích cực và thành công đường lối ngoại giao đa phương như thế nào và xác định các triển vọng - thách thức đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh lớn hơn bao hàm nhiều yếu tố trong khu vực. Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về một số chủ đề như tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và những thách thức mới nổi cũng như các thách thức về kinh tế, an ninh và hàng hải trong khu vực.
Nguồn bài viết : xsmb xổ số miền Bắc