Giây phút “đứng hình”
Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Hà (Lớp Điều dưỡng 10, trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương) là hai trong nhiều sinh viên tình nguyện vào tâm dịch Hải Dương lần này. Hai em được phân công ở khu cách ly trường THPT Chí Linh (Hải Dương).
Em Nguyễn Thị Nhung cho biết: “Khi nhận được thông báo dịch bùng phát tại Hải Dương, em nghĩ ngay đến việc mình sẽ đăng ký tình nguyện. Cùng chung ý nghĩ này với em là bạn Hà cùng phòng. Cả hai nhanh chóng điền đơn và chuẩn bị hành lý, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Từ lúc điền đơn đến lúc di chuyển là lúc chúng em nhận thông báo các xe khách phải dừng vận chuyển. Đa số các bạn đều chở nhau bằng xe máy đến khu cách ly để nhận việc”.
Công việc của Nhung và Hà là đo nhiệt độ cho người cách ly và đưa cơm đến “vùng đệm” để người cách ly đến nhận. Nhớ lại những ngày đầu tiên, Nhung vẫn không giấu nổi sự xúc động.
“Trong gần 10 ngày ở khu cách ly, giây phút mà em cũng như mọi người phục vụ “đứng hình” là lúc đang ăn cơm thì nhận được thông báo ở điểm cách ly này có thêm F0. Tất cả mọi người đều buông đũa bát. F0 được thông báo thu dọn đồ đạc. Rất nhanh sau đó (khoảng 5 phút) có xe đến đón F0 về bệnh viện dã chiến để điều trị. Sự căng thẳng và lo lắng hiện lên mỗi khuôn mặt y, bác sĩ, người phục vụ… Không khí lắng xuống, mọi người trở lại công việc của mình nhưng em cảm nhận được sự im lặng đầy căng thẳng đó”, Nhung tâm sự.
Nhung nhớ lại khoảnh khắc “tiễn F0” tới bệnh viện dã chiến: “Dù mọi người buồn nhưng cũng động viên và hy vọng F0 sớm được bình phục trở về với gia đình. Rồi mọi người lại tự dặn dò nhau cẩn thận hơn nữa. Ai cũng mong chờ đến ngày giải toả khu cách ly . Em chắc chắn ngày ấy cũng nhiều nước mắt vì vui mừng”.
Ở nơi “căng hơn” là bệnh viện dã chiến, nhiều sinh viên vẫn tình nguyện được phục vụ, dù chỉ lần đầu. Vi Thị Nga My (sinh viên năm 3, lớp Điều dưỡng 11a, trường ĐH kỹ Thuật y tế Hải Dương) là một trong những tình nguyện viên như thế. Nga My tham gia công tác phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến 2 - Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Nga My cho biết: “Em được giao làm kiểm soát nhiễm khuẩn ở bệnh viện. Em và một bạn nữa cũng được phân công làm vệ sinh môi trường tầng 1+2 ở toà B3 của khu điều trị. Công việc này được thực hiện 2 lần mỗi ngày, vào sáng và chiều”.
Tại bệnh viện dã chiến, những sinh viên được lựa chọn đều hiểu rõ sự hiểm nguy của dịch COVID-19. Nga My tâm sự: “Những ngày đầu em cảm thấy hơi sợ vì phải tiếp xúc với bệnh nhân và còn bỡ ngỡ, chưa quen công việc. Việc phải mặc đồ bảo hộ rất nóng và khó thở do thiếu oxy nên em cảm thấy rất vất vả và mệt mỏi. Nhưng dần dần em đã quen và hiểu rõ trách nhiệm của mình hơn”.
"Không phải tết đoàn viên, nhưng là tết đoàn kết chống dịch"
Viết đơn tình nguyện tham gia vào vùng tâm dịch trong dịp này nghĩa là không trở về nhà ăn cái tết đoàn viên, nhiều sinh viên của trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương hiểu rõ được trách nhiệm cao cả của nghề y.
Nga My cho biết: “Từ khi biết được dịch bệnh xuất hiện ở Hải Dương và Bệnh viện trường ĐH kỹ thuật y tế Hải Dương lại được chọn làm bệnh viện dã chiến, em cùng với các bạn đã nhận thức được trách nhiệm của bản thân. Trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp và nguy hiểm, bệnh viện lại thiếu nguồn nhân lực, em cùng 19 bạn đã quyết định viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến 2. Là một sinh viên ngành y, em cảm thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn bao giờ hết vào lúc này. Em nghĩ là sinh viên ngành y không tham gia phòng chống dịch thì không ai có thể thay mình làm được việc này cả. Em muốn góp một phần công sức của mình vào công tác phòng chống dịch COVID-19. Dù không phải là người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân nhưng để thành công, chiến thắng dịch bệnh thì không thể thiếu được công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn”.
Nhiều sinh viên tình nguyện tại tâm dịch cho rằng đây là trải nghiệm rất đặc biệt. Sinh viên Nguyễn Thị Hà (lớp Điều dưỡng 10, trường ĐH Y tế Kỹ thuật Hải Dương) cho biết: “Dù có khó khăn, vất vả nhưng em cảm thấy nhiệm vụ này thật thiêng liêng. Chúng em mong dịch sớm được dập và mọi người được trở về nhà”.
Còn Nguyễn Thị Nhung tâm sự: “Nhiều người hỏi em là “Sao được về nhà ăn tết lại không về mà đi đến nơi này?”. Nhưng lúc đó nhận được tờ thông báo, em thấy đó là công việc của mình. Ngành y đang thiếu người và em cần lên đường ngay. Tâm thế này cũng được em xác định khi làm nghề y”.
Có lẽ, đây là cái tết đặc biệt nhất với những sinh viên ở tâm dịch. Với nhiều sinh viên ngành y là cái tết xa nhà đầu tiên và cũng là nhiệm vụ đặc biệt đầu tiên. Đến lúc này, các em đều lạc quan và hy vọng vào ngày được trở về gia đình khi COVID-19 được đẩy lùi.
“Chúng em cũng có hoa đào, bánh chưng, cây nêu… và hơn cả là có tình cảm của bạn bè, đồng đội, đồng bào. Mọi người luôn động viên nhau. Đó là cái Tết dù không phải đoàn viên như truyền thống nhưng là tết đoàn kết chống dịch”, Nguyễn Thị Nhung tâm sự.
“Sẵn sàng có mặt” luôn là tác phong không thể thiếu của các sinh viên ngành y. Với các em sinh viên ngành y tình nguyện tham gia chống dịch này nói riêng và mọi người dân Việt Nam nói chung, trong thời điểm này, không có tết đoàn viên hôm nay thì còn nhiều Tết đoàn viên khác nếu dịch sớm được dập, trả lại sự bình yên cho cộng đồng.
Nguồn bài viết : MW Điện Tử