Cả nước lần đầu đạt cấp giấy chứng nhận trên 96,9% tổng diện tích

2025-01-20 17:56:16
Hôm nay (11/7), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, cả nước đã thực hiện cấp GCN lần đầu đạt trên 96,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp, hoàn thành đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của 132/713 đơn vị cấp huyện. Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các Đoàn kiểm tra nắm tình hình, tháo gỡ các vướng mắc cho các địa phương trong thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc, lập hồ sơ ranh giới, hồ sơ địa chính, cấp GCN quyền sử dụng đất đối với công ty nông, lâm nghiệp. Đồng thời, kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất đai, các vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai có nguồn gốc của nông, lâm trường.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã rà soát, xác định nội dung thanh tra năm 2018, hạn chế trùng lắp, tăng cường phối hợp giữa trung ương và địa phương trong triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ đang triển khai 42 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra theo kế hoạch.

Khung cảnh buổi họp

Cũng theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình hình tố cáo,khiếu nại đã có chiều hướng giảm. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tiếp 121 lượt công dân với tổng số 181 người, trong đó có 8 lượt đoàn đông người, giảm 61 lượt, 341 người so với năm 2017. Đã phân loại và xử lý 1.479 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý chiếm 49,9 % số đơn thư phải xử lý là 741 đơn (giảm 114 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Đã thẩm tra, xác minh 27/29 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết 20 vụ việc. Thẩm tra, xác minh 18/20 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ.

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ cũng tập trung giám sát chặt chẽ việc khắc phục các tồn tại, vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh và quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 2, quá trình hoạt động của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang, dự án Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng, đánh giá tác động môi trường mỏ sắt Thạch Khê. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý 4 vụ việc về ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm, phản ánh. Xây dựng kế hoạch thanh tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018 nói riêng và nửa nhiệm kỳ 2016 - 2021 nói chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã có những đổi mới cơ bản và toàn diện. Thông qua thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình, Nghị quyết về phát triển đất nước theo hướng bền vững, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…  Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, những kết quả của nửa đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 là tiền đề quan trọng để ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm Bộ TN&MT đã theo sát tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính. Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT, trong đó đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm khoảng 60%. Công bố phương án cắt giảm cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Cũng trong nửa đầu của năm 2018, Bộ TN&MT đã tiếp tục đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý từng bước thực hiện giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 82 TTHC, trong đó có 67 dịch vụ công mức độ 3, 15 dịch vụ công mức độ 4 (có 11 TTHC kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia). Kết quả chỉ số CCHC của Bộ đã có những bước tiến đáng kể, kết quả xếp hạng năm 2017 là 10/19 các Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 6 bậc so với năm 2016); xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 đứng thứ 5 trong các Bộ, ngành...

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ tập trung thảo luận lấy ý kiến chuyên gia, địa phương đối với từng nhóm vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai. Rà soát đơn giảm hóa thủ tục cấp GCN, đăng ký giao dịch đảm bảo, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, nhân rộng kết nối liên thông giữa cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan thuế. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp để hoàn thành cấp GCN lần đầu.

Bộ cũng tiếp tục tập trung, đôn đốc các địa phương giải quyết tình trạng lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Rà soát tình hình sử dụng quỹ đất nông nghiệp công ích. Chủ động tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trọng điểm quốc gia.

Về lĩnh vực môi trường, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới. Xây dựng và triển khai hoạt động giám sát đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là trong thu hút đầu tư vào các khu vực nhạy cảm về môi trường. Kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tiếp tục hoàn thành xây dựng, ban hành kiến trúc chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường phiên bản 2.0. Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp trung ương đến địa phương để phục vụ chỉ đạo điều hành. Chia sẻ kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành giữa Bộ và Chính phủ và các Sở TN&MT. Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện việc đánh giá chấm điểm ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc Bộ và Sở TNMT.

Trang Thu/Báo Tin tức
Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn bài viết : sicbo

Top