Tuyên án vụ chìm tàu làm chết 9 người tại huyện Cần Giờ

2025-01-17 20:17:26

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án chìm tàu làm chết 9 người tại huyện Cần Giờ vào năm 2013.

Truy tố hai bị can trong vụ chìm tàu tại huyện Cần Giờ vào năm 2013

Ngày 16/10, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can gồm: Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Tòa tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Đảo (sinh năm 1968, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt - Séc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) và bị cáo Đinh Văn Quyết (sinh năm 1980, Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) cùng mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm) về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" theo Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) sau khi kết thúc phiên tòa ngày 26/11/2018. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Theo cáo trạng, cuối tháng 7/2013, Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (Công ty PV PIPE, trụ sở Tiền Giang) có chủ trương đưa 71 cán bộ, nhân viên đi liên hoan vui chơi vào đêm 2/8/2013 tại Khu du lịch Đảo Xanh - Vũng Tàu (trực thuộc Công ty Vũng Tàu Marina). Đinh Văn Quyết đã báo cáo cho Vũ Văn Đảo và được Đào chỉ đạo hỏi mượn tàu của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (đang được bảo dưỡng và neo đậu tại cầu tàu của Công ty Việt - Séc) để đưa đón người, đồng thời bổ nhiệm ông Phạm Duy Phúc làm đội trưởng đội tàu có nhiệm vụ đưa đón khách của Công ty PV PIPE.

  • Chìm tàu cao tốc ở Cần Giờ, 42 người thoát chết

Chiều 2/8/2013, hai bị cáo Đảo, Quyết, cùng một số người khác trực tiếp chứng kiến 3 tàu xuất phát từ Vũng Tàu đi Tiền Giang đón người. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau thì cả 3 tàu quay lại vì sóng biển lớn. Lúc này, Vũ Văn Đảo trực tiếp lái một tàu cùng 2 tàu khác sang Tiền Giang đón khách. Đến 18 giờ ngày 2/8/2013, tàu BP 12-04-02 chở 28 khách rời bến để đi Vũng Tàu, 2 tàu còn lại lần lượt chở 17 người và 21 người đi sau. Đến 19 giờ cùng ngày, khi tàu BP 12-04-02 đi ngang vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) thì bị lật khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có người điều khiển tàu là ông Phạm Duy Phúc.

 Phiên tòa thu hút đông người tới tham dự. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Theo Hội đồng xét xử, dù tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, hai bị cáo Đảo và Quyết kêu oan, không thừa nhận trách nhiệm điều động tàu chở người đi qua vùng biển nguy hiểm khiến 9 người chết. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, các nhân chứng và chứng cứ khác, đã đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của hai bị cáo. Việc truy tố là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không oan sai.

Cụ thể, bị cáo Vũ Văn Đảo là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công nghệ Việt - Séc (gọi tắt là Công ty Việt - Séc). Đảo là người được Đinh Văn Quyết báo cáo hành trình, số lượng người và cũng là người trực tiếp điều khiển phương tiện vào ngày 2/8/2013 từ Vũng Tàu đi Tiền Giang nên là người duy nhất có thẩm quyền điều động 3 tàu, trong đó có tàu gặp nạn BP 12-04-02. Các bị cáo là người có đầy đủ khả năng nhận thức hành vi, nhưng do chủ quan, thiếu ý thức chấp hành luật giao thông đường thủy, đã gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả của vụ việc đã thuộc trường hợp định khung tăng nặng về hình phạt. Tuy nhiên khi lượng hình, Hội đồng xét xử cũng xem xét nhiều yếu tố giảm nhẹ như lỗi vô ý, phạm tội lần đầu, có thành tích cá nhân, nhân thân tốt… của các bị cáo.

Đồng thời, tại Công văn số 2273 ngày 2/10/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải xác định: "Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp". Báo cáo điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam có đoạn “người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế; người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao”. Theo bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Phạm Duy Phúc (đã tử vong khi sự cố xảy ra) – người trực tiếp lái tàu BP 12-04-02 cũng có lỗi, có dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo Bộ luật Hình sự 1999. 

  • Trục vớt thành công tàu cao tốc chở 42 người bị chìm trên biển Cần Giờ

Từ những lý do trên, Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 1, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho các bị cáo được hưởng án treo ấn định thời gian thử thách.

Về quá trình điều tra, truy tố có vi phạm một số quy trình tố tụng, Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ tai nạn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 9 người; quá trình thu thập thông tin, chứng cứ, chờ các kết luận giám định liên quan và nhiều yếu tố khách quan khác nên mặc dù có vi phạm tố tụng nhưng mục đích cuối cùng nhằm để đảm bảo tính khách quan của vụ án. Hội đồng xét xử yêu cầu các cơ quan tố tụng cần rút kinh nghiệm về quá trình xử lý vụ án.

  • Trục vớt để điều tra nguyên nhân tàu cao tốc Greenlines DP bị chìm trên biển Cần Giờ

Về trách nhiệm dân sự, sau khi xảy ra vụ tai nạn, Công ty Việt - Séc và Công ty Vũng Tàu Marina đã liên hệ gia đình các nạn nhân, khắc phục số tiền 2 tỷ đồng nên đại diện các nạn nhân không có yêu cầu gì thêm. Tuy vậy, do nhiều đại diện của các nạn nhân vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm, nên để đảm bảo quyền lợi của gia đình các nạn nhân, Hội đồng xét xử sẽ tách yêu cầu bồi thường thêm để xử lý ở một vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu./.

Nguyễn Chung (TTXVN)

Tags:
  • chìm tàu
  • cần giờ
  • chìm tàu ở huyện cần giờ
  • chìm tàu ở cần giờ
  • tuyên án

Nguồn bài viết : Giới thiệu DA88

Top