Bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng tài chính cho người nhiễm HIV | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2025-01-18 20:38:32
Nhân viên y tế quản lý, giám sát điều trị ARV cho người nhiễm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
      
Người nhiễm HIV được lợi

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chia sẻ: Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi sử dụng thuốc ARV thì số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp.

Khoa học đã chứng minh, khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (tức dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.

Việc điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm qua, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có trên 115.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này có xu hướng tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đã kết thúc vào năm 2018 nên Chính phủ đã thực hiện chủ trương sử dụng bảo hiểm y tế là nguồn thay thế và yêu cầu các địa phương phải đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. 

Người nhiễm HIV thuộc rất nhiều đối tượng khác nhau, phần đông thuộc nhóm người không được hỗ trợ của Nhà nước, phải tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Với chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, việc điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế sẽ khuyến khích mọi người tham gia. Người bệnh sẽ có nguồn tài chính bền vững để tiếp tục được chữa trị với chi phí hợp lý nhất.

Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm chi phí cho thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận... Đối với người nhiễm HIV, tham gia bảo hiểm y tế rất có lợi vì số tiền mua bảo hiểm y tế nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị HIV/AIDS.
 
Tăng độ bao phủ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế

Theo tổng hợp từ các tỉnh/thành phố, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế tăng lên nhanh chóng từ 30% vào năm 2015 lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho rằng có được kết quả đó là nhờ có sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và thực hiện hàng loạt các giải pháp hữu hiệu.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế cuối năm 2016, quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nhiễm HIV. Đây là văn bản quan trọng góp phần tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến, hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách cùng các nguồn, chương trình, dự án hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV... Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS; tổ chức nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Đến nay, hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được kiện toàn, đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, gần 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Các địa phương đã và đang tính toán nhu cầu thuốc ARV cho năm 2019. Thỏa thuận khung đã được ký với nhà cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 2/2019, theo đúng tiến độ dự kiến. Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đang tiến hành các thủ tục ký hợp đồng với nhà cung ứng thuốc…

Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã triển khai mua sắm để sử dụng tại 188 cơ sở điều trị; làm đầu mối để tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở 188 cơ sở. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ bảo hiểm y tế.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Sau một thời gian nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị cho sự chuyển đổi nguồn thuốc, những viên thuốc ARV đầu tiên từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ đến tay người nhiễm HIV. Đây là kết quả khả quan nhưng người nhiễm HIV vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế năm 2008, người tham gia bảo hiểm y tế phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Thực tế, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV bởi hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều có mức thu nhập thấp, hơn nữa điều trị ARV là điều trị liên tục, suốt đời.

Hiện nay đã có 35/63 tỉnh, thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). Có 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Đặc biệt, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2019-2020 cho 32 tỉnh dự án, 16 tỉnh ngoài dự án.

Việt Nam đã xác định, trong giai đoạn 2019-2020 bảo hiểm y tế sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100% .

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, để thực hiện được mục tiêu này phải có nhiều giải pháp với các nhóm đối tượng khác nhau. Với những người nhiễm HIV không thuộc diện hỗ trợ của Nhà nước thì cần tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế, khuyến khích họ nhanh chóng tham gia bảo hiểm y tế.

Với người nghèo, người cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đã được Nhà nước hỗ trợ để khám và điều trị HIV/AIDS.

Một số đối tượng thật sự khó khăn không thể mua được thẻ bảo hiểm y tế mà lại chưa nằm trong nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo hoặc nhóm được Chính phủ hỗ trợ thì các địa phương có thể sử dụng một phần kinh phí kết dư của Quỹ bảo hiểm y tế để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho họ.

Hy vọng rằng với những giải pháp trên, độ bao phủ của bảo hiểm y tế trong nhóm người nhiễm HIV sẽ tăng nhanh trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra.
          Mỹ Bình
Top