Sáng 20/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ nhất Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Phiên họp đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên thường trực, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban.
Xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử là “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có những tiến bộ trong xếp hạng về Chính phủ điện tử, năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 nước trong khu vực ASEAN. Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 1.0) được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2015, đến nay đã có trên 50 bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu và xây dựng kiến trúc chính phủ/chính quyền điện tử.
Trong các hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử, đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đang triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai quốc gia, tài chính và bảo hiểm. 100% các bộ, ngành, địa phương có trang/cổng thông tin điện tử với nhiều thông tin được cập nhật liên tục, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, quản lý điều hành của cơ quan nhà nước; nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của người dân và doanh nghiệp. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các bộ, ngành cung cấp hiện là 1.551 dịch vụ; các địa phương cung cấp 45.374 dịch vụ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã được định hướng từ lâu và việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được thực hiện ở nhiều cấp, ngành, giúp người dân đã quen với môi trường điện tử, môi trường mạng. Nhưng thực tế, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn ở mức trung bình trên thế giới và trong các nước ASEAN. Điều đó cho thấy, cần tiếp tục thúc đẩy và quyết tâm hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Cùng với việc ra mắt Ủy ban, Thủ tướng cho biết, ngoài một số thành viên Chính phủ, còn có đại diện của 4 đơn vị công nghệ thông tin lớn, thể hiện tinh thần hợp tác công-tư trong xây dựng Chính phủ điện tử. Việc thành lập Ủy ban với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng, chính là thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để triển khai Chính phủ điện tử.
Thủ tướng biểu dương một số bộ, ngành, địa phương về xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, triển khai một cửa điện tử… Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, kết quả còn khiêm tốn, chưa đạt kỳ vọng mong muốn.
"Những tồn tại, bất cập hiện nay có nguyên nhân là chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Cơ chế bảo đảm thực thi chưa đủ mạnh. Nhiều cơ quan, địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Việc triển khai mang nặng tính hình thức, thói quen giấy tờ chưa được khắc phục" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm triển khai trong bộ, ngành, địa phương mình quản lý. Việc triển khai Chính phủ điện tử phải có đầu mối, người chỉ huy thống nhất trong xây dựng mạng thông tin, để có thể kết nối các hệ thống, giúp tiết kiệm nguồn lực quốc gia.
Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp cùng "xắn tay áo" xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chứ không phải "mạnh ai nấy làm". Không để tình trạng các cục, vụ, địa phương triển khai xây dựng không thống nhất, không đồng bộ. Đồng thời, việc phát triển xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn với an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân.
Về tinh thần triển khai, Thủ tướng nhấn mạnh, phải kế thừa các chương trình ứng dụng phát triển công nghệ thông tin; thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn, liên tục hơn; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, sớm đưa công nghệ thông tin là biện pháp hữu hiệu, hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành.
Văn phòng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được Chính phủ giao triển khai, trước hết là phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định, hoàn thành thử nghiệm trong năm 2018; đẩy mạnh triển khai giải pháp xác thực tập trung cho người dân, doanh nghiệp để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đất đai quốc gia, đăng ký doanh nghiệp và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, trước mắt tập trung ưu tiên hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định số 80 của Thủ tướng, hoàn thành trong tháng 11/2018, trường hợp cần thiết, tham mưu, đề xuất Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thủ tướng nhất trí việc tổ chức tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành 4 nhóm công tác về: Thể chế và cải cách hành chính; nguồn lực và bảo đảm thực thi; giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn thông tin; truyền thông.
Tại phiên họp đầu tiên, các thành viên của Ủy ban đã tập trung cho ý kiến, thảo luận về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử; thảo luận về chỉ tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn; xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử với các yếu tố nền tảng cần thiết; đảm bảo nguồn lực ưu tiên, kể cả tài chính, phục vụ triển khai Chính phủ điện tử; cơ chế bảo đảm thực thi Chính phủ điện tử; kế hoạch hành động của Ủy ban từ nay đến hết năm 2018... Từ đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa các ý kiến, rà soát, bổ sung những vấn đề mới, xác đáng để tạo nên sức sống, tính thực tiễn cao trong tổ chức thực hiện các giải pháp về phát triển Chính phủ điện tử.
Tại Phiên họp, Thủ tướng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Nguồn bài viết : SOI KÈO BÓNG ĐÁ