Báo động sinh vật ngoại lai xâm nhập

2025-01-20 20:07:46

Đe dọa đa dạng sinh học và kinh tế

Thời gian gần đây, loài tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, thành "cơn sốt" trên thị trường. Chỉ khi cơ quan chức năng lên tiếng, người tiêu dùng và người kinh doanh mới hay loài tôm này nằm trong danh mục sinh vật cấm nhập khẩu vào nước ta.

Tôm càng đỏ nhập khẩu vào Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

"Đây là loài thủy sinh nguồn gốc ngoại lai, có hại, ăn tạp, vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Việc kinh doanh tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản", ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng cũng cho hay, loài tôm càng đỏ đã từng được nghiên cứu, nuôi thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2002 nhưng do tính hung dữ của nó nên đã bị cấm nuôi. Chỉ cần phát tán ra ngoài môi trường, tôm càng đỏ sẽ đe dọa phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra văn bản gửi các tỉnh, thành, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam. Bộ cũng cử đoàn giám sát xuống địa phương, nhất là những nơi giáp biên giới Trung Quốc để’ ngăn chặn, xử lý việc buôn bán loại sinh vật này.

Các chế tài của Việt Nam liên quan đến sinh vật ngoại lai:
- Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học: "Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép."
- Điều 246, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 07 năm tùy vào mức độ phạm tội.
- Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có quy định: "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm, làm cảnh và giải trí chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định".

Điều đáng nói, trước đây, không ít loài sinh vật ngoại lai đã xâm nhập vào nước ta làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế.

Cây mai dương (còn gọi là cây trinh nữ) có nguồn gốc Trung Mỹ và Nam Mỹ là loài cỏ dại thuộc diện nguy hiểm thứ 3 trên thế giới, nằm trong danh sách 100 loài sinh vật gây hại nguy hiểm nhất đối với hầu hết các quốc gia do khả năng lan rộng nhanh, hạt có thể’ nảy mầm sau 20 năm, đốt, san lấp vẫn mọc lại. Loài cây này du nhập vào Việt Nam từ năm 1960, đến nay đã lan khắp các địa phương. Những vùng đất cây mai dương mọc không cây nào cạnh tranh được.

Ốc bươu vàng, loài sinh vật có nguồn gốc Nam Mỹ, nhập khẩu vào Việt Nam từ những năm 1980. Với tốc độ sinh sôi nảy nở chóng mặt và sự tàn phá ghê sợ, loài này đã làm mất trắng hàng nghìn ha lúa ở đông bằng sông Cửu Long, rồi lan rộng ra miền Trung, miền Bắc, khiến nông dân cả nước điêu đứng.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), số lượng sinh vật ngoại lai xâm hại vào Việt Nam tương đối lớn và đa phần là những loài xâm lấn nguy hiểm. Chúng được nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường: Nhập khâu phục vụ chăn nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh, hoặc theo con đường tự nhiên, không chủ đích của con người. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Theo đó, có 80 loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại như: Ốc bươu vàng, tôm càng đỏ, rùa tai đỏ...

Tăng cường nhận thức và quản lý

Theo các chuyên gia môi trường và nuôi trồng thủy sản, hiện nay, việc quản lý sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật Đa dạng sinh học cùng nhiều luật liên quan như Luật Thủy sản, Bộ Luật Hình sự... trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan như hải quan, cơ quan cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Tuy nhiên, việc thực hiện còn chồng chéo, thiếu thống nhất và hiệu quả. Những quy định về sinh vật ngoại lai đã có nhưng chưa hiệu quả hoặc còn mờ nhạt.

Thêm vào đó, khi truy bắt các đối tượng buôn bán, vận chuyển các loài thủy sinh ngoại lai nguy hại, cơ quan chức năng chủ yếu mới bắt giữ người vận chuyển thuê, nhưng lại gặp khó khăn trong xác định chủ thực sự buôn bán các loài thủy sinh ngoại lai, nên việc xử lý mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính và tiêu hủy tang vật. Việc buôn bán online cũng khiến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và phối hợp giữa các lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Lực lượng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai thu giữ lô hàng được xác định là tôm càng đỏ nhập lậu vào tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Riêng với tôm càng đỏ, để ngăn chặn loài này xâm nhập vào Việt Nam, theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, trước tiên, phải tăng cường kiểm soát tại biên giới và các chợ, xây dựng kế hoạch kiểm soát và diệt trừ. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh tuyên truyền về cách phân biệt và tác hại của loài này để người dân không sử dụng, còn các nhà hàng, quán ăn không chế biến.

"Cân tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe. Chiều 18/5, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phát hiện vụ vận chuyển, nhập lậu trái phép 75kg tôm hùm đất, nhưng đối tượng bị bắt chỉ bị phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng - đó là con số quá ít ỏi", ông Lê Trần Nguyên Hùng nhấn mạnh.

Bà Hoàng Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, khó khăn lớn nhất trong quản lý sinh vật ngoại lai là nhận thức của người dân cũng như cán bộ quản lý ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa nắm được đâu là sinh vật ngoại lai. Cùng với đó, nguồn lực kiểm soát cũng như thực thi pháp luật chưa đủ mạnh để phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến sinh vật ngoại lai.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, quan trọng nhất là vấn đề thực thi pháp luật của các bên liên quan, có cơ chế phối hợp giữa Trung ương, địa phương và người dân trong kiểm soát sinh vật ngoại lai. Đặc biệt, xây dựng những hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến đánh giá rủi ro, kiểm soát và có kiến thức để’ phát hiện sớm và phản ứng nhanh về loài sinh vật ngoại lai.

"Cần tuyên truyền về sinh vật ngoại lai cho người dân cũng như cán bộ quản lý trực tiếp tại địa phương để họ biết nuôi con gì và trồng cây gì là hợp lý, tránh tình trạng "nhập nhầm" sinh vật có hại về nuôi", bà Hoàng Thanh Nhàn nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh), Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh: Phải nghiêm khắc và quyết liệt hơn
Hiện nay, bên cạnh con đường nhập chính thức thì còn nhập tiểu ngạch. Thậm chí người dân còn lí luận tôm hùm đông lạnh qua sơ chế rồi thì không sinh sôi nảy nở.
Muốn quản lý, chúng ta phải phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có cả công an, quản lý thị trường, hải quan... Các đơn vị lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng phải thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, tìm và xử lý nếu phát hiện.
Hãy nhìn các nước về bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái. Tại Úc, Nhật hay New Zealand, du khách nhập cảnh không được mang tất cả các loại nông sản vào dù sống hay chết.
                                                                                 Nam Hoàng (ghi)

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN - Môi trường của Quốc hội: Phải mạnh tay xử lý vi phạm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đă yêu cầu các địa phương có biện pháp tăng cường kiểm soát loài này, khi phát hiện tôm hùm đất phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định. Khi phát hiện bất kỳ trường hợp nào vi phạm buôn bán, vận chuyển tôm hùm đất là lực lượng chức năng phải vào cuộc ngay, các cơ quan chức năng phải mạnh tay thực hiện.
Đây là trách nhiệm không chỉ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà cần sự vào cuộc của các địa phương, quản lý thị trường, công an...
Đối với những vụ việc buôn bán, vận chuyển số lượng lớn hay để xảy ra gây hại trực tiếp, có thể xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
                                                                                    Tạ Nguyên (ghi)
Lê Sơn - Thu Trang
'Thủ phủ ngành tôm' Cà Mau hướng đến liên minh tôm sạch

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), việc thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam là rất cần thiết; trong đó, sẽ chọn tỉnh Cà Mau làm thí điểm.

Nguồn bài viết : Sunrise Gaming Club

Top