Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đường lối đối ngoại được Đại hội xác định. Trong năm rất quan trọng này, ngoại giao phát huy thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, tạo thuận lợi cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, công tác đối ngoại là “điểm sáng nổi bật” trong bức tranh Việt Nam năm 2023 “rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao,” thể hiện rõ nét trường phái đối ngoại "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình
Năm 2023 là năm lịch sử của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam qua những bước phát triển về chất, nâng tầm quan hệ có ý nghĩa chiến lược, lịch sử với hàng loạt nước đối tác quan trọng.
22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương phản ánh một nhịp độ sôi động của ngoại giao Việt Nam năm 2023.
Trong số đó, có những chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử như hai chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và đánh dấu việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ.
Hai sự kiện trên cùng chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (11/2023) với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, đến nay, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ; qua đó khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay."
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc xác lập định vị mới trong quan hệ hai nước là: Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, mở ra giai đoạn mới phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung-Việt. “Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đang hướng tới mục tiêu rõ rệt, sự phát triển kinh tế-xã hội chứng minh cho thế giới rằng, con đường phát triển mà hai nước lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hai nước tăng cường đoàn kết, hợp tác có lợi cho sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước.”
Đánh giá về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng, kết quả thành công rất tốt đẹp của hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng này cùng những kết quả quan trọng của nhiều hoạt động đối ngoại khác khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, trường phái đối ngoại, "ngoại giao Cây tre Việt Nam,” sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, thường xuyên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là một thời khắc lịch sử, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh: Không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.
Về ý nghĩa kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: “Việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Hoa Kỳ là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của ta. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ từ cấp độ Đối tác Chiến lược với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp), qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước...”.
Bên cạnh tăng cường quan hệ với các nước lớn, có tiếng nói quan trọng trong cục diện thế giới, Việt Nam tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, như các sự kiện: cuộc gặp cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ở Hà Nội (tháng 9/2023); Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernandez thăm Việt Nam và đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba dự Lễ Kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973-9/2023).
Tất cả những hoạt động trên khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và cân bằng mà ngoại giao Việt Nam kiên trì thực hiện, củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, huy động được nguồn lực bên ngoài, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Thành viên chủ động, trách nhiệm trong tiến trình đa phương
Năm 2023 cũng đánh dấu sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và năm đầu triển khai Nghị quyết số 34-NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, vai trò của các thể chế đa phương, toàn cầu và khu vực.
Trong năm 2023, Việt Nam tích cực tham gia đóng góp sáng kiến tại các tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường...
Theo ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), năm 2023, ngoại giao đa phương được triển khai đồng bộ, toàn diện và đặc biệt là ở cấp cao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu như Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/2023), Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (12/2023), hay ở cấp độ khu vực như các Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, Ủy hội sông Mekong quốc tế (4/2023)...
Thông qua đó, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ quan điểm nhất quán đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đoàn kết, hành động vì hòa bình, phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Năng lực, uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định khi đảm nhiệm nhiều vị trí quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025), Ủy ban Di sản Thế giới (2023-2027), Hội đồng thống đốc IAEA (2021-2023), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2026), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2023-2027).
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nêu rõ Việt Nam đang khẳng định vị trí, vai trò trong khu vực, trên toàn cầu, trong đó có đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, một trong những nước đóng góp hàng đầu cho hoạt động giữ gìn hòa bình.
Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm trong các tiến trình đa phương.
Cũng trong năm qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Khi trận động đất dữ dội xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/2/2023, Việt Nam đã thể hiện cam kết vững chắc bằng việc đóng góp viện trợ nhân đạo quốc tế và tham gia các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một lực lượng lớn (100 cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ, nhấn mạnh giá trị mà Việt Nam đặt vào mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và đoàn kết của Việt Nam trong giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhẹ hậu quả mất mát, tàn phá do thảm họa động đất gây ra,” Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci chia sẻ.
2024 là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời triển khai nhiều công việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những thành công của đối ngoại năm 2023 cùng bản sắc "Ngoại giao Cây tre Việt Nam" và truyền thống vẻ vang của Ngoại giao Cách mạng Việt Nam là nền tảng vững chắc cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vượt khó khăn, thử thách để đóng góp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung để cùng nhìn lại những kết quả nổi bật năm 2023 và định hướng công tác đối ngoại năm 2024.
Nguồn bài viết : Trò chơi