'Trường' đào tạo nghề giữa trùng khơi

2025-01-20 17:51:17

“Trường” đào tạo giữa ngàn trùng sóng gió

Những giàn khoan dầu khí sừng sững giữa ngàn trùng sóng gió chính là những “ngôi trường” đào tạo nghề tại chỗ “on-the job-training” hiệu quả, góp phần cho “ra lò” những chuyên gia, kỹ sư và thợ khoan dầu khí đẳng cấp quốc tế được các công ty dầu khí nước ngoài thường xuyên “săn lùng”.

 

Ảnh minh họa. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tốt nghiệp Đại học mỏ địa chất Hà Nội năm 1993, hành trang của anh Trần Thanh Long lúc ra giàn khoan nửa nổi nửa chìm Actinia- Giếng khoan Lan Tây 1X khi đó chỉ là mớ lý thuyết thuần tuý.

Trong khi công việc thực tế trên giàn khoan thì khác xa những gì Trần Thanh Long biết, cộng thêm tiếng Anh non nớt thì lần đầu tiên lên làm việc trên giàn khoan chủ yếu là người nước ngoài thì việc cố gắng hiểu được đúng các yêu cầu từ cấp chỉ huy cũng đã rất khó khăn, anh Long tâm sự.

Nhưng rồi, với sự nỗ lực tự học hỏi, sự kiên nhẫn “cầm tay chỉ việc” của các chuyên gia nước ngoài, sau bao năm lăn lộn trên nhiều “trường” đào tạo giàn khoan, giờ đây Trần Thanh Long đã là một trong số 20 chuyên gia điều hành giàn khoan quốc tịch Việt Nam có thương hiệu trên thị trường nhân lực khoan quốc tế, luôn trong tầm ngắm của giới “săn đầu người”.

Hiện mức lương mà “sỹ quan” Trần Thanh Long được các chủ mỏ nước ngoài như Premier Oil trả thời giá dầu bèo sụt giảm dù chỉ bằng một nửa so với trước kia nhưng cũng lên tới cả nghìn đô la Mỹ/ngày - con số mơ ước của nhiều người lao động Việt Nam trong cả tháng.

Cũng như “sỹ quan” Trần Thanh Long, giám sát khoan điều hướng Phan Đình Nhật sinh năm 1982 đang đầu quân cho liên doanh PVD-Bakerhughes GE Việt Nam đã trưởng thành thực sự nhờ các “trường” đào tạo giàn khoan trong nước và nước ngoài.

Thưở mới tốt nghiệp đại học, Phan Đình Nhật được PVD gửi sang đào tạo tại chỗ trên một giàn khoan nước ngoài. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp tiên tiến, kỹ sư trẻ Phan Đình Nhật luôn nung nấu ý chí tự học hỏi để làm chủ công nghệ khoan dầu khí hiện đại của nước ngoài.

Công việc là một guồng máy khổng lồ mà muốn nắm bắt được thì không có cách nào khác là phải tự tích góp kinh nghiệm từ công việc thực tế trên giàn khoan, cũng như từ việc nghiên cứu trên các mô hình khoan (Module) khác nhau của nước ngoài. Không chỉ có vậy, mỗi kỹ sư làm việc trên giàn khoan dầu khí đa quốc gia như vậy còn phải có ý thức trách nhiệm, tự giác cao độ, ứng xử hài hòa để sống chung được với các đồng nghiệp người nước ngoài. Thêm vào đó, việc trau dồi tiếng Anh để có thể làm việc hiệu quả là yêu cầu bắt buộc với mỗi người, Phan Đình Nhật chia sẻ.

Sau hơn 10 năm được đào tạo liên tục trong môi trường như vậy, giờ đây Phan Đình Nhật lại tiếp tục theo các chiến dịch khoan dầu khí trên biển, hàng đêm miệt mài dõi màn hình điều khiển, phân tích các số liệu địa chất thu được từ lòng đất để điều hướng các mũi khoan đi xiên chính xác các vỉa dầu.

Theo điều hành giàn khoan PVD VI mỏ Chim Sáo Trần Thanh Long, nếu để xảy ra sai sót mà thiết bị khoan đi chệch hướng so với thiết kế giếng khoan thì nhà thầu cung ứng dịch vụ khoan dầu khí không chỉ mất thời gian, tiền bạc (lên tới hàng trăm nghìn đô la Mỹ) để chỉnh mũi khoan về đúng hướng, mà còn bị phạt, bị thất thu vì không đảm bảo tiến độ cam kết với chủ mỏ. Thế nên hoàn toàn dễ hiểu khi “Tây” trả lương rất cao cho một số vị trí làm việc chủ chốt trên giàn khoan.

Nhìn nhận về chất lượng kỹ sư khoan dầu Việt Nam, Trưởng giàn PVD VI tại Mỏ Chim Sáo và Dừa là Paul Lambert (người Anh) cho biết, với đặc thù của môi trường làm việc trên giàn khoan dầu khí là làm trong một chuỗi mắt xích thống nhất nên người làm việc trên giàn khoan không chỉ phải giỏi về lý thuyết mà còn phải có kinh nghiệm thực tế, khả năng làm việc nhóm cao để có thể  hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với kinh nghiệm hơn 25 năm làm việc trên các giàn khoan tại Việt Nam, Mianma, Thái Lan, Singapore, “tôi đánh giá rất cao trình độ chuyên môn và những am hiểu thực tế của các kỹ sư Việt Nam”, Paul Lambert khẳng định.

Nguy cơ thiếu nhân lực lành nghề

Việc đào tạo nhân lực cao cấp cho ngành khoan dầu khí luôn được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoan thăm dò dầu khí như Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) hay Liên doanh Vietsovpetro chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua.

Minh chứng rõ nét nhất là trong các chiến dịch khoan cách đây 10 năm, PV Drilling phải thuê chuyên gia nước ngoài đảm trách hầu hết những vị trí quan trọng trên giàn khoan thì nay các vị trí này gần như đều do người Việt Nam đảm trách. Ví như trên giàn khoan PVD VI mỏ Chim Sáo, kỹ sư Vũ Tuấn Phong (36 tuổi) làm trợ lý Giám đốc giàn khoan chịu trách nhiệm mọi hoạt động của khoảng 130 con người cả Ta lẫn Tây, rồi các thiết bị khoan đặc chủng trị giá hàng trăm triệu đô la cũng như mọi thứ nhu yếu phẩm ở trên giàn.

Với Vũ Tuấn Phong, yêu cầu số 1 là phải đảm bảo kết nối suôn sẻ các “mắt xích” để giàn khoan hoạt động liên tục, an toàn, hiệu quả bởi chỉ cần để xảy ra  sự cố là giàn khoan bị trừ điểm, đồng nghĩa với việc giá trị cho thuê của giàn khoan bị giảm và cơ hội việc làm cho người lao động sẽ khó khăn hơn nhiều, nhất là trong thời buổi giá dầu giảm sâu cũng như dịch vụ cung ứng khoan dầu khí cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Để có được thành quả này, bên cạnh nỗ lực cao độ của mỗi một kỹ sư thì sự tin tưởng giao việc của cấp trên với cấp dưới là nhân tố quyết định. Chuyện bình thường trên giàn khoan là cấp cao hơn phải đứng đằng sau cấp dưới, sẵn sàng hỗ trợ tận tình để anh em có thể yên tâm thực hiện các công việc mới được giao. Có như vậy thì mới có thể giúp các kỹ sư trẻ trưởng thành được, anh Trần Thanh Long chia sẻ.

Còn Phó Trưởng phòng quản lý các hoạt động khoan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trương Hoài Nam khẳng định, ngành dầu khí Việt Nam có được đội ngũ nhân lực khoan chất lượng như ngày nay là nhờ công “cầm tay chỉ việc” của “Tây” rất lớn. Thực tế là nhiều kỹ sư khoan Việt Nam sau một thời gian làm việc cho ngành dầu khí trong nước đã tự tin bỏ việc tại các tổng công ty thành viên của PVN để đầu quân cho các hãng dầu khí tại nước ngoài với mức lương “khủng” vài chục nghìn đô la Mỹ/tháng.

Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong các lý do khiến ngành khoan biển đang bị thiếu nhân lực cấp cao. Theo ông Trương Hoài Nam, trong bối cảnh giá dầu duy trì ở mức thấp liên tục trong 3 năm vừa qua khiến thu nhập và chế độ đãi bị giảm sút rõ rệt, tình trạng này càng diễn ra nhiều hơn. Thêm vào đó, nhiều kỹ sư trẻ ngành khoan bây giờ rất ngại ra giàn tham gia các khóa đào tạo cực kỳ vất vả với yêu cầu phải đảm đương nhiều vị trí khác nhau từ thợ kéo cáp, thợ sơn, thợ bơm đến công nhân khoan... nên việc đào tạo để giải quyết bài toán thiếu nhân lực lành nghề cũng không hề dễ dàng.

Thực tế nghề khoan biển là nghề cực kỳ vất vả vì phải làm việc liên tục 12 tiếng/ngày, 28 ngày/tháng liên tục trong điều kiện nắng rát, mưa sa, tiếng ồn đinh tai nhức óc và mùi hóa chất dung dịch khoan nồng nặc. Vì vậy, ngoài mức lương “hấp dẫn” cần thiết thì những người trụ lại được với nghề khoan biển này còn cần một tình yêu nghề  thực sự.

“Ước mơ bây giờ của em chỉ là mong giá dầu cải thiện để người khoan dầu có thể bám biển lâu dài. Và khi đó, em sẽ có thể về bờ để thực hiện giấc mơ thiết kế các giếng khoan hoàn hảo, đưa các mũi khoan xiên đúng vỉa dầu vì những dòng vàng đen phun trào trong tương lai”, giám sát khoan điều hướng Phan Đình Nhật chia sẻ.

 

 

Anh Nguyễn (TTXVN)
Rà soát phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan

Trưa 23/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 95 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ.

Nguồn bài viết : XS Mega Chủ Nhật

Top