Ngày 5/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023.
Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và hai dự thảo luật gồm: đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ; đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; đề nghị xây dựng Luật Tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc; đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đề nghị xây dựng Luật Tương trợ Tư pháp về Dân sự; đề nghị xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi); Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chính phủ cơ bản thống nhất 5 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa; phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương quản lý, thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, đồng thời có quy định về xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng, chuyển đổi số; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với lĩnh vực xã hội hóa.
Rà soát, nghiên cứu, quy định về hoạt động thẩm định trong Luật này đồng bộ với hoạt động thẩm định trong lĩnh vực xây dựng bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, quy định tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong phòng cháy, chữa cháy; rà soát, nghiên cứu quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy bảo đảm khả thi, trong đó cho phép áp dụng quy chuẩn nước ngoài cho phù hợp.
Tiếp tục rà soát, phân loại các nhóm công trình, cơ sở đang tồn tại mà có khó khăn, vướng mắc, vi phạm, thiếu sót sau kiểm tra để có quy định chuyển tiếp trong Luật và giao cơ quan có thẩm quyền ban hành giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới…
Đối với Đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Chính phủ cơ bản thống nhất 3 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau: Rà soát, chỉnh lý tên gọi của các chính sách để thể hiện rõ nội hàm, mục tiêu, nội dung của Chính sách.
Tiếp tục đánh giá, làm rõ nội dung "Cam kết không thi hành hình phạt tử hình nếu người bị yêu cầu dẫn độ bị kết án tử hình và có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước" bảo đảm vừa thể hiện pháp luật Việt Nam có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trong hợp tác quốc tế về dẫn độ, vừa bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục, điều kiện của pháp luật các bên theo nguyên tắc có đi, có lại; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật…
Về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị, Chính phủ cơ bản thống nhất việc ban hành các chính sách nhằm quản lý phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị; quản lý phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, không gian ngầm đô thị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị, bảo đảm đô thị phát triển bền vững theo các mô hình đô thị hiện đại, phù hợp với quy hoạch đô thị, phát huy tối đa giá trị của đô thị trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội-an ninh-quốc phòng góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Để tiếp tục hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị và hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo yêu cầu sau:
Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị; làm rõ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn để đề xuất các chính sách phù hợp, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển đô thị.
Rà soát để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện trong Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm hướng tiếp cận tổng thể, toàn diện về quản lý sự phát triển đô thị, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư Công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các luật, dự án luật khác có liên quan.
Nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi, nội dung, giải pháp thực hiện chính sách, Đề cương chi tiết Luật, bảo đảm sự thống nhất về đường lối, định hướng của Chính phủ khi xây dựng Luật này. Nội dung và giải pháp thực hiện chính sách phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý phát triển đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; đổi mới cách thức quản lý, kiểm tra, giám sát để hạn chế tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thuyết minh rõ nội dung cụ thể của từng chính sách, ý nghĩa về xã hội, kinh tế, pháp luật khi ban hành các chính sách và có minh chứng cụ thể về sự cần thiết xây dựng Luật này theo từng nội dung chính sách, như: phân loại đô thị, đánh giá đô thị, mô hình đô thị; yêu cầu tuân thủ khi xây dựng đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị, mối liên kết giữa các đô thị để hình thành hệ thống đô thị xanh, hiện đại và bền vững…
Về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Dự thảo Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi) phải bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của các tổ chức tín dụng, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cần được phân tích sâu, thuyết phục, nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của sự cần thiết ban hành các quy định tại dự thảo Luật, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, lợi dụng chính sách của Nhà nước để tham nhũng, tiêu cực, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; bảo đảm an ninh tiền tệ, lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng về các chính sách có liên quan đến nội dung dự thảo Luật, nhất là chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo điều kiện đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện nghiêm túc chủ trương phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật có quy định liên quan, nhất là thống nhất các quy định, thủ tục về cùng một vấn đề.
Cụ thể, về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158), Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng quy định rõ các phương pháp xác định giá đất; trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Về việc sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại (Điều 122 và 127), Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý quy định này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại" và phù hợp với thực tiễn…
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ về các đề xuất tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện đầy đủ nội dung tiếp thu trong dự thảo Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông thoáng, tạo điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản nhà nước, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội dự án luật này vào tháng 1/2024./.
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 để cho ý kiến đối với 9 nội dung.
Nguồn bài viết : Điện toán 123 Thứ Ba