Đây là ý kiến của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Phát triển quan hệ Việt-Nhật: Lịch sử và Triển vọng” diễn ra ngày 21/9 tại Hà Nội, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hai nước cần tiếp tục nâng cao hiệu quả kết nối và hợp tác kinh tế thích ứng với xu hướng tăng cường hội nhập khu vực và với diễn biến nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhật Bản và Việt Nam cần đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy hiện thực hóa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tích cực phối hợp đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời nỗ lực tham gia kiến tạo và kết nối một khu vực kinh tế Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương theo hướng tự do và rộng mở.
Bên cạnh đó, hai nước cần chủ động thúc đẩy kết nối bao trùm theo hướng: chính phủ với chính phủ, địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các lĩnh vực, ngành nghề với nhau, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sử dụng công nghệ cao; phát triển và kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vào mạng sản xuất toàn cầu, nhất là mạng sản xuất do những tập đoàn công nghệ Nhật Bản dẫn dắt. Trước mắt, hai bên nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020 so với năm 2014. Đồng thời, hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thực chất và có hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh, an toàn hàng hải, cùng nhau đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu toàn cầu… đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển của nhân loại.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ công nghệ của Nhật Bản để phát triển những lĩnh vực, ngành nghề mới như: Nông nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp và dịch vụ kết nối… nghiên cứu học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng mô hình xã hội 5.0. Đồng thời, hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa-xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý. Hai nước đẩy mạnh giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ để tăng cường hiểu biết, sẻ chia, tạo nền móng bền chặt cho quan hệ sâu sắc, toàn diện giữa hai nước trong tương lai.
Bày tỏ vinh dự được tham dự Hội thảo “Phát triển quan hệ Việt-Nhật: Lịch sử và Triển vọng”, Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh, Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Đây là mối quan hệ dựa trên sự tin cậy, gần gũi nhất. Hai nước đều chia sẻ nhiều lợi ích mang tính chiến lược. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều thay đổi to lớn, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước ngày càng trở nên quan trọng.
Các đại biểu dự Hội thảo đánh giá, trong 45 năm qua, trải qua nhiều khó khăn và thử thách, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản không ngừng phát triển, sau mỗi giai đoạn đều mở ra những khuôn khổ hợp tác mới, hiệu quả, thực chất. Từ quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và hiện nay là Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Những kết quả có được từ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong suốt 45 năm qua cùng với sự tin cậy cao về chính trị, chân thành và hiệu quả trong hợp tác, tương đồng về văn hóa, gắn bó về lịch sử, luôn vì lợi ích chung là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục nâng tầm và phát triển quan hệ hai nước trong một tầm nhìn chiến lược mới, thích ứng với những thay đổi nhanh của bối cảnh thế giới, khu vực và mỗi nước.
Trong 45 năm qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trong đó, hợp tác kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu và là một thành công lớn trong quan hệ hai nước. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 33,84 tỷ USD. Chỉ tính riêng quý I/2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2017, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt kỷ lục 9,1 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở lại là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tính đến cuối quý I/2018, Nhật Bản có gần 3.700 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 50 tỷ USD. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó có hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước đầu tiên trong khối G7 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, thể hiện sự ghi nhận tích cực đối với tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam.
Giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước liên tục được thúc đẩy mạnh mẽ, sôi động với nhiều hình thức phong phú. Số du học sinh và thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản cũng như số sinh viên Nhật Bản học tập ở Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Việt Nam và Nhật Bản cũng đạt được những kết quả nổi bật trong hợp tác về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và về đảm bảo an toàn, an ninh trên biển...
Nguồn bài viết : Tin bóng đá mới nhất