2025-01-17 20:17:26

Chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào sáng 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi" do đó chúng ta "chỉ bàn làm, không bàn lùi," với mục tiêu, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, tạo đà, tạo lực cho năm 2025.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận đánh giá về hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tháng 12 và cả năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với thứ hạng tăng mạnh

Chính phủ nhận định tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố bất định. Ở trong nước, tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn bởi tác động bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài, thiên tai tiếp tục gây thiệt hại tại nhiều địa phương.

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự nỗ lực, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và ủng hộ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương luôn nắm chắc thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhờ đó, kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2024.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân xu hướng giảm dần, 11 tháng tăng 3,69% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 106,3% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 11 tháng tăng lần lượt 15,3%, 14,4% và 16,5% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 23,03 tỷ USD.

Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng đạt khoảng 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm qua. Nhiều dự án tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết cơ bản, trong đó, một số dự án đã có lãi.

Trong khi đó, Trung ương, Quốc hội thống nhất triển khai xây dựng Đề án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam, khởi động lại dự án điện hạt nhân.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong năm 2024.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được triển khai quyết liệt. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả.

Các thành viên Chính phủ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều thách thức. Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định.

Trước bối cảnh đó các đại biểu đề xuất cần tập trung tăng tốc, bứt phá để hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024; tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong tháng 11 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV 28 Luật, 24 Nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 156 Nghị định, 290 Nghị quyết, 1.607 Quyết định, 42 Chỉ thị.

Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các ưu tiên như: tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; đảm bảo năng lượng cho sản xuất, tiêu dùng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược và gần đây nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc Chính phủ.

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đà tích cực trên tất cả các lĩnh vực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, với 11 điểm sáng.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam, trong đó Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt. Tổ chức Thương mại thế giới công bố Việt Nam đứng ở vị trí 23 trong số các nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, nhập khẩu đứng thứ 22 thế giới.

Về phát triển bền vững, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với thứ hạng tăng mạnh, từ 88/149 vào năm 2016 lên 56/166 năm 2024.

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; có giải pháp đột phá, quyết liệt, quyết đoán, đúng thời điểm, trọng điểm; chọn thứ tự ưu tiên trong công việc; trên cơ sở đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm để đảm bảo thành công.

Chỉ bàn làm không bàn lùi

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi” do đó chúng ta “chỉ bàn làm, không bàn lùi.”

Các bộ, ngành cần quán triệt tinh thần này; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; với mục tiêu, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu năm 2024, tạo đà, tạo lực cho năm 2025.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; hoàn thành trong trung tuần tháng 12/2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới; kiên quyết bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng; đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng điện trong dài hạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện, bền vững, đẩy mạnh đầu tư các dự án lớn.

Lưu ý tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy, tạo đột phá trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển; chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030, bảo đảm không dàn trải, manh mún, giảm số lượng dự án đầu tư công, trong đó có không quá 3.000 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương.

Chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn bất cập; báo cáo Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng chỉ rõ chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt đẩy mạnh giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025”; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung, miền núi phía Bắc.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm ma túy.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo tích cực triển khai các công việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV; trong đó, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo và gợi ý thảo luận theo ý kiến của Bộ Chính trị và thực hiện tốt việc xin ý kiến đảng bộ các cấp. Đồng thời chuẩn bị tổng kết năm của các bộ, ngành và chuẩn bị cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 năm 2025 của Chính phủ với tầm nhìn xa, trông rộng, đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược trong xây dựng mục tiêu. Trong đó, Nghị quyết 01 năm 2025 nêu chủ đề năm là “Kỷ cương, trách nhiệm; Chủ động, kịp thời; Tinh gọn, hiệu quả; Tạo đà, bứt phá”, với mục tiêu tăng trưởng 8%, lạm phát 4,5%; Nghị quyết 02 phải cởi trói cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư xã hội, khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế-xã hội./.

Thủ tướng: Tập trung cho tăng tốc, bứt phá, về đích thắng lợi năm 2024

Thủ tướng chỉ rõ phiên họp Chính phủ tháng 11 cần tổ chức thực hiện để đạt thắng lợi năm 2024, tạo đà, tạo thế, tạo lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 8%.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Thống Kê Loto

Top