Nữ họa sĩ 'thổi hồn' văn hóa Chăm vào tranh vẽ

2025-01-18 15:09:01

Từ đôi bàn tay tài hoa, những mảng màu văn hóa Chăm dần hiện lên sinh động, độc đáo dưới con mắt của nữ họa sĩ này.

Thạc sĩ, họa sĩ Chế Kim Trung say mê sáng tạo bên giá vẽ tranh. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Giới mỹ thuật, truyền thông vẫn thường gọi Chế Kim Trung là người sinh ra dành cho hội họa. Thuở nhỏ, Chế Kim Trung đã sớm bộc lộ năng khiếu và thể hiện tình yêu với mỹ thuật. Sau giờ lên lớp, Chế Kim Trung dành phần lớn thời gian cho thế giới màu sắc, hình khối của riêng mình. Sống trong không gian văn hóa Chăm với những lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng phong phú cùng với cảnh sắc làng quê yên bình đã thấm sâu vào tâm trí và đó cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác sau này của chị. Với tài năng, say mê văn hóa dân tộc của mình, nữ họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo nên con đường nghệ thuật rất riêng mà ở đó mỗi tác phẩm đều mang màu sắc văn hóa Chăm đặc sắc.

Chia sẻ về niềm đam mê hội họa, họa sĩ Chế Kim Trung cho hay: Chị từng có 8 năm gắn bó với nghề sư phạm nhưng ngọn lửa đam mê hội họa từ nhỏ vẫn thôi thúc. Năm 2002, chị sắp xếp công việc gia đình rồi quyết định thi tiếp vào Đại học Mỹ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2013, sau khi bảo vệ thành công xuất sắc luận án Thạc sĩ Nghệ thuật thị giác tại Thái Lan, chị về nước tiếp tục sáng tác và tham gia công tác giảng dạy mỹ thuật, thời trang. Với chị, nghệ thuật hội họa không chỉ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo mỹ thuật đã ấp ủ từ tuổi thơ, mà hơn hết thông qua những tác phẩm chị muốn gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về nền văn hóa Chăm bản địa đa dạng, phong phú trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm “Làng Chăm ơn Bác” của họa sĩ Chăm Chế Kim Trung được Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải A (năm 2009). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Đến nay, sau hơn 18 năm hoạt động nghệ thuật miệt mài, họa sĩ Chế Kim Trung đang sở hữu một “gia tài” mỹ thuật đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một đề tài riêng, một cảm xúc riêng về lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt thường nhật, đề tài kháng chiến, lực lượng vũ trang, tình yêu quê hương đất nước, với Đảng, Bác Hồ. Tranh của chị thể hiện trên nhiều chất liệu, tông màu khác nhau như sơn dầu, sơn màu, khắc gỗ, lụa, thuốc nước, bột màu. Kỹ thuật, phương pháp thể hiện cũng không bó hẹp trong một trường phái cụ thể nào, từ lập thể, trừu tượng đến hiện thực, lãng mạn. Vì thế, tranh của chị có nhiều góc cạnh dị biệt nhưng lại có cảm xúc dịu dàng mơ mộng, có sự cởi mở về ánh sáng, nhiều gam màu nóng, rạo rực sức sống của lễ hội, trang phục, sức sống thanh xuân của những cô gái, chàng trai Chăm nhưng vẫn thể hiện được nét rất riêng của sắc màu thời gian trầm mặc trên những mái tháp Chàm nghìn năm huyền bí.

Có thể nói, họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo dựng được phong cách, tên tuổi riêng trong dòng chảy nghệ thuật hội họa đương đại với những tác phẩm đoạt giải qua các cuộc thi cấp khu vực và toàn quốc. Trong đó, có 24 tác phẩm đoạt các giải thưởng cao tiêu biểu, như: Lễ cầu mưa (giải A năm 2008 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Làng Chăm ơn Bác (giải A năm 2009 - Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Sắc màu lễ hội Ka tê Chăm (giải A năm 2012 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) và hàng chục giải B, C được trao qua các năm. Trung bình mỗi năm, họa sĩ Chế Kim Trung nhận một giải, có năm nhận hai giải, một thành tích rất ít các họa sĩ đạt được.

Một số tác phẩm mỹ thuật của thạc sĩ, họa sĩ Chế Kim Trung. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Với những đóng góp tích cực, họa sĩ Chế Kim Trung vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc (giai đoạn 2004 - 2014), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ban Tuyên giáo Trung ương tặng thưởng 3 tác phẩm xuất sắc: Bác Hồ với đồng bào Chăm, Làng Chăm ơn Bác, Miền Nam trong trái tim Bác về hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, họa sĩ Chế Kim Trung còn được các cấp, hội ở địa phương và Trung ương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Hiện nay, bên cạnh công việc sáng tác, giảng dạy mỹ thuật, họa sĩ Chế Kim Trung còn dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo những họa tiết hoa văn mới để vẽ trên gốm Chăm Bàu Trúc, đưa những hình tượng về đời sống Chăm vào thổ cẩm dệt Mỹ Nghiệp. Cùng với đó, họa sĩ Chế Kim Trung còn tận dụng không gian ngôi nhà của mình mở phòng trưng bày tranh có hàng nghìn tác phẩm với mong muốn giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo mỹ thuật cũng như quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm đến du khách trong và ngoài nước.

Nguồn bài viết : Xổ số điện toán

Top