Ngày 28/5, phóng viên TTXVN tại New York đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thụy Điển tại LHQ, Olof Skoog, về những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi chỉ còn hơn một tuần nữa tới ngày bỏ phiếu, cũng như những kinh nghiệm Thụy Điển có thể chia sẻ trên cương vị một nước từng là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.
Thụy Điển là một trong những nước công khai ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong quá trình chuẩn bị ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ hai năm 2020-2021.
Về cơ hội của Việt Nam trong đợt bỏ phiếu sắp tới, Đại sứ Olof Skoog cho rằng Việt Nam hiện ở một vị trí hết sức thuận lợi để trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an trong đợt bầu cử sắp tới.
Đại sứ Thụy Điển cho rằng Việt Nam rất được ủng hộ và việc ứng cử của Việt Nam lần này cũng thuận lợi hơn một chút so với thời điểm Thụy Điển ứng cử trước đây bởi khi đó quốc gia này phải cạnh tranh với hai nước châu Âu khác vì vậy cơ hội của Việt Nam lần này là rất lớn.
Đại sứ Thụy Điển chia sẻ có rất nhiều thử thách khi đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Thứ nhất, bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay có sự chia rẽ rõ rệt giữa các Ủy viên thường trực của HĐBA khiến cho nhiều quyết định có ý nghĩa của hội đồng gặp khó khăn và bị cản trở.
Thứ hai, một số vấn đề hiện nay thực sự rất khó giải quyết trên bàn nghị sự của HĐBA. Đó là những cuộc xung đột đã diễn ra suốt một thời gian dài mà hệ lụy của nó là những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về vấn đề nhân đạo, đẩy người dân vào cảnh khổ cực.
Đại sứ Skoog nhận định ứng cử vào HĐBA lần này, Việt Nam mang theo một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ khi từng trải qua nhiều cuộc chiến, đã tìm ra cách hàn gắn vết thương chiến tranh, tìm ra con đường tới hòa bình và Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc tìm ra các giải pháp chính trị ngoại giao cho các cuộc xung đột.
Việt Nam cũng hiểu rõ cái giá của chiến tranh và sự cần thiết phải tránh, phải ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột. Vì vậy, Việt Nam rất phù hợp để đảm nhận vị trí ủy viên của HĐBA LHQ.
Đại sứ Thụy Điển đánh giá cao việc Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận và vận động các nước, trong đó có Thụy Điển, ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA. Phía Thụy ĐIển đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm với Việt Nam, nhất là với phái đoàn của Việt Nam tại LHQ.
Ông bày tỏ niềm vui và sự tự hào khi được mời đến Việt Nam cách đây không lâu để chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong thời gian Thụy Điển là Ủy viên của HĐBA. Những nỗ lực của Việt Nam đã làm cho đến nay cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng đảm trách hai năm nhiệm kỳ đầy thử thách sắp tới và cơ hội thành công cũng lớn hơn rất nhiều.
Về kinh nghiệm để hợp tác hiệu quả với các ủy viên khác của HĐBA, Đại sứ Thụy Điển cho rằng một khi trúng cử và bước chân vào HĐBA, điều đầu tiên là Việt Nam cần phải tạo được ấn tượng riêng của mình, nhất là khi khả năng cao Việt Nam sẽ phải đảm trách vị trí chủ tịch HĐBA từ rất sớm.
Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về những vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA cũng như những vấn đề các bạn muốn đạt được trong thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA.
Thứ hai, ông cho rằng Việt Nam không chỉ đề xuất các chính sách của mình mà còn phải tìm đồng minh, tìm bạn bè để hợp tác cùng. Khi Thụy Điển mới vào HĐBA, Đại sứ Skoog đã nhận thấy đại diện của 10 nước Ủy viên không thường trực HĐBA là một nhóm làm việc hết sức ăn ý và điều đây là một lợi thế, nhất là trong bối cảnh các nước Ủy viên thường trực luôn luôn chia rẽ và đó là lúc mà cần phải có những thành viên khác có thể giúp kết nối và tạo ra sức mạnh của HĐBA. Cho nên, theo ông tạo lập các mối quan hệ là rất quan trọng để có thể làm việc hiệu quả với các Ủy viên không thường trực khác cũng như các Ủy viên thường trực.
Nhận định Việt Nam là một ứng cử viên nặng ký có nhiều kinh nghiệm, từng đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA cách đây 10 năm, Đại sứ Skoog tin rằng Việt Nam biết cần phải làm gì. Vì thế, tất cả đều đặt kỳ vọng khá cao vào Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng trong HĐBA.
Ông cho rằng các Ủy viên HĐBA khi được bầu đều đã có những lời hứa, những cam kết với những nước đã ủng hộ và bỏ phiếu bầu và đây chính là sự khác biệt giữa Ủy viên không thường trực và Ủy viên thường trực.
Những Ủy viên không thường trực đã đưa ra cam kết và sẽ phải minh bạch, cởi mở với những nước thành viên LHQ đã bầu chọn cho mình, có trách nhiệm giải trình với họ những quyết định của mình, vì sao làm vậy cũng như phải lắng nghe cả ý kiến của những nước không ở trong HĐBA, những nước có ít quyền lợi liên quan hoặc không quan tâm lắm tới các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Nguồn bài viết : IM Thể Thao