Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án, nguồn vốn đầu tư và các cơ chế chính sách để khởi công các dự án đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chủ trì thực hiện đầu tư các dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3, sân đỗ máy bay, xây dựng hệ thống thoát nước (ngoài khu bay)...
Trong trường hợp xã hội hóa đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thời gian chọn nhà đầu tư cần khoảng 1,5-2 năm và sẽ có thể hoàn thành dự án trước năm 2022.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa được công bố, tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791ha. Sau khi hoàn thành việc cải tạo, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 0,8-1 triệu tấn hàng hóa/năm.
[Công bố điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất]
Lộ trình đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là ưu tiên đầu tư ngay Nhà ga hành khách T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông, dự kiến thực hiện từ năm 2018-2022.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ, dự kiến khoảng 4.466 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống hàng rào an ninh khu bay và đường công vụ tuần tra tại một số cảng hàng không.
Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện như giai đoạn trước 31/12/2017, hoặc sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển của ACV để thực hiện đầu tư.
Riêng đối với khu dịch vụ kỹ thuật phía Bắc như suất ăn, xăng dầu, ga hàng hóa và logistics..., Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức công bố danh mục để kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức doanh nghiệp trực tiếp đầu tư.
Cụ thể, trong hai năm 2018-2019, Bộ sẽ thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư, từ năm 2019-2020 sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, cần hai năm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để có thể triển khai xây dựng công trình từ năm 2022./.
Nguồn bài viết : Bóng đá Việt Nam