Thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy có lỏng lẻo?
Ngày 20/3, Đoàn Giám sát Quốc hội đã làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của TP Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, nhiều thành viên của Đoàn giám sát bày tỏ quan ngại về nguy cơ tiềm ẩn cao về cháy nổ chung cư, nhà cao tầng do công tác quản lý nhiều lỏng lẻo. Vì vậy, một số đại biểu đã đặt câu hỏi: Liệu thành phố có "du di" trong khâu thẩm duyệt PCCC tại các chung cư hay không?
Bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội đặt vấn đề: “Liệu có du di gì trong khâu thẩm duyệt chung cư tại TP Hồ Chí Minh hay không? Bởi thành phố có rất nhiều nhà chung cư và lượng chung cư chưa nghiệm thu PCCC cũng ở mức cao. Đặc biệt, lo lắng hơn khi, nhiều chung cư, nhà cao tầng chưa nghiệm thu PCCC đã cho người dân vào ở".
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CHCN), từ năm 2014 - 2018, thành phố xảy ra 6.245 vụ cháy, đã có 85 người thiệt mạng, 238 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 835 tỷ đồng. Riêng về vụ nổ, thành phố xảy ra 13 vụ làm chết 10 người, bị thương 19 người, thiệt hại tài sản khoảng 160 triệu đồng. Điển hình là vụ cháy lớn tại chung cư Carina (quận 8, TP Hồ Chí Minh) vào đầu tháng 3/2018 khiến 13 người tử vong, nhiều người khác bị thương. Mỗi khi nhắc lại vụ cháy này, đến nay nhiều người vẫn còn chưa thể hết bàng hoàng và thương xót cho những người thiệt mạng. Năm 2019, vừa bước vào đầu mùa khô, TP Hồ Chí Minh lại xảy ra một vụ cháy tại tòa nhà cao tầng Bến Thành Tourist (quận 1), rất may vụ cháy này chỉ gây thiệt hại về tài sản chứ chưa gây thiệt hại về người….
Băn khoăn về công tác PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và CHCN TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố có 450.000 cơ sở, 300.000 doanh nghiệp cùng 2 triệu hộ dân nên nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong đó, lo lắng nhất hiện nay chính là an toàn cháy nổ đối với nhà chung cư, nhà cao tầng. Bởi thực tế, khi họp ban quản trị ở nhiều chung cư trên địa bàn thành phố, người dân chưa có tiếng nói chung trong công tác quản lý, phòng cháy chữa cháy... Mặt khác, tiền bảo trì chung cư rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả nên các công tác PCCC chưa cao. Điều đáng lo hơn, nhiều chung cư không có ban quản trị nên công tác đảm bảo PCCC cũng bị bỏ ngỏ.
Liên quan đến việc thiếu ban quản trị chung cư, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng cho biết trên địa bàn thành phố còn 212 chung cư chưa có ban quản trị do chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư, không có người ứng cử, đề cử vào ban quản trị. Ngoài ra, các tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng thụ lý, có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư, chiếm tỷ lệ 77%.
Đề nghị quy chuẩn đặc thù về PCCC
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thành phố còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao tại các chung cư, nhà cao tầng như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC còn tồn tại một số khó khăn, bất cập; kinh phí đầu tư cho trang thiết bị chưa đáp ứng so với yêu cầu tăng trưởng, phát triển của thành phố; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác PCCC; mức độ xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, Ban quản lý, Ban quản trị tại chung cư, nhà cao tầng còn thấp, chưa có tính răn đe. Việc vi phạm loại hình cơ sở này thường kéo dài, tuy nhiên chưa có hình thức xử lý triệt để.
Để làm tốt công tác PCCC, ông Huỳnh Cách Mạng đã kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố ban hành và áp dụng các quy chuẩn PCCC đặc thù để điều chỉnh công tác PCCC phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố. Nên thành lập Hiệp hội PCCC trên phạm vi cả nước để tranh thủ nguồn lực, vốn, kinh nghiệm… Trước mắt, có thể thí điểm thành lập tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cần sớm có quy chuẩn đối với các loại hình cơ sở kinh doanh dưới dạng cửa hàng tiện ích, bách hóa… để thành phố triển khai tốt công tác cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở này.
Nguồn bài viết : Club V E-Gaming