Bài 1 - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Thời khắc chín muồi của lịch sử

2025-01-17 20:15:30

Suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, nền kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trên dưới 90% nguồn lương thực từ lúa. Năng suất, sản lượng tính trên diện tích, công lao động và dân số khá thấp. Nguồn thực phẩm từ tự nhiên hoặc chăn nuôi cũng rất khiêm tốn. Có nghĩa là nhu cầu vật chất tối thiểu của dân ta không được đáp ứng đầy đủ.

Các sản phẩm từ công nghiệp hay giá trị gia tăng từ thương mại với các cộng đồng khác chúng ta cũng ít. Chúng ta vẫn cơ bản là một nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp tự cung tự cấp. Tài nguyên tự nhiên và khả năng khai thác để biến thành nguồn lực kinh tế cũng không nhiều. So với các dân tộc, quốc gia khác tại cùng thời điểm lịch sử thì chúng ta luôn ở mức dưới trung bình tính trên mặt bằng thế giới cũng như châu lục. Khảo cổ học và các ngành nghiên cứu khác cho thấy, khi các trung tâm văn minh khác đã có nhiều đô thị, thành quách, sản vật chế tác từ vàng bạc, kim cương, chất liệu quý từ hơn 3.000 năm trước thì chúng ta mới có những đồ vật thô sơ, chất liệu ít giá trị, thiếu tập trung.

Thời phong kiến ở Bắc bộ, nhà giàu chỉ là có ít hũ mắm, vại cà muối và vựa lúa đủ dự trữ cho vài nhân khẩu trong 1- 2 vụ mùa. Thời cận đại có thêm mâm đồng, nồi đồng, đồ thờ cúng và cao sang lắm là sập gụ, tủ chè. Tức là mấy đồ vật gia dụng, trưng bày. Nạn đói luôn rình rập, bao phủ khắp đời sống nhân gian, trườn dài trong lịch sử, đọng lại ở truyện, sách, thơ ca, hò, vè…

Về hạ tầng cơ sở, chúng ta không có nền công nghiệp quy mô. Hệ thống thủy lợi, giao thông khiêm tốn… Do nhiều yếu tố chi phối nên sức sáng tạo trong phát triển kinh tế cũng hạn chế. Nông nghiệp trồng lúa là chủ đạo thì cơ bản là con trâu, cái cày, cối xay, nong, nia, dần, sàng…

Tâm lý người Việt trong ca dao thể hiện rõ là “xa rừng ngại biển”. Sự phân phối lợi ích dựa trên cấu trúc xã hội phong kiến phương Đông nên rất bất công. Chế độ phong kiến tan rã, dân ta bước vào giai đoạn bị đô hộ, sau đó là chiến tranh khốc liệt càng gây thiếu đói, nghèo khổ, lạc hậu…

Phồn vinh và hạnh phúc là hai khái niệm khác nhau. Hạnh phúc là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần của từng con người, của một cộng đồng bừng nở vào lúc họ đạt được một kỳ vọng nào đó. Kỳ vọng phồn vinh về cơ sở vật chất, về sức khỏe dĩ nhiên là một kỳ vọng nền tảng nhưng nó không phải là tất cả. Con người ta có những kỳ vọng khác để đạt đến như: sự hiểu biết, sự được tôn trọng, sự dâng hiến, sự sáng tạo và sự tự do. Mỗi nấc thang đạt đến là mỗi lần hạnh phúc.

Một trong số đó là khi xã hội ấy thỏa mãn những nhu cầu tinh thần chung cao nhất thời điểm đó. Hiểu theo nghĩa này, dân tộc ta đã nhiều lần được sống trong hạnh phúc. Đó là sau những cuộc kháng chiến vệ quốc, chiến thắng kẻ thù, giành lại giang sơn. Đó là hạnh phúc được thừa nhận, được tôn trọng. Nhưng những hạnh phúc đó phải đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt. Cái giá của hạnh phúc ấy quá đắt nhưng cũng không thể làm thế nào khác.

Sau những ngày tháng đó là ước mơ trăm họ thái bình. Thái bình thực chất là sự yên ổn bờ cõi, là sự bình đẳng rộng lớn cho toàn xã hội. Và sau những kháng chiến gian khổ mất mát, triều đình thường “khoan thư sức dân”, miễn giảm sưu thuế, tu sửa đình chùa, tổ chức lễ hội… Sau đó, cơ chế vận hành và các điều kiện sống cố hữu lại đưa đời sống về trạng thái cũ. Nghĩa là người dân lại thắt lưng buộc bụng, ăn chắt để dành và “trông trời trông đất trông mây” ban cho mưa thuận, gió hòa…

Hạnh phúc theo nghĩa được sáng tạo và sáng tạo thành công, sinh ra của cải, thụ hưởng công bằng… thì chưa khi nào có được.

Đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều “Hay là khổ tận đến ngày cam lai?” nói về sự chuyển tiếp từ gian khổ đến hạnh phúc trong cõi nhân sinh. Có thể suy từ ý này để ngẫm về quá trình phát triển của dân tộc ta.

Tại sao dân tộc ta chưa bao giờ có phồn vinh; và hạnh phúc chỉ đến khi phải chịu quá nhiều mất mát, khổ đau? Thứ nhất là về điều kiện tự nhiên. Đất nước ta là vùng nhiệt đới gió mùa rất khắc nghiệt. Nắng nóng, mưa nhiều, ẩm thấp không thuận lợi phát triển cho rất nhiều loài động thực vật. Theo các công trình nghiên cứu, chúng ta có nhiều chủng loài nhưng các cá thể thì ít, nhỏ bé. Tuy vậy, với điều kiện ấy, côn trùng, vi trùng, vi khuẩn gây hại, gây độc, gây bệnh nhiều hơn hẳn các nơi khác… Địa hình ngắn, dốc dễ gây lũ lụt, ít tạo dưỡng chất thổ nhưỡng. Đồng bằng bị chia cắt manh mún, không thuận lợi để phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Không có các bình nguyên, đồng cỏ bao la để canh tác lớn hay chăn nuôi đại gia súc. Không sản xuất lớn thì tư duy làm lớn, năng lực hợp tác cộng đồng lớn, tích lũy nguồn lực lớn cũng rất hạn chế. Núi non hiểm trở, giao thông khó khăn...

Thứ hai, về địa chính trị, chúng ta ở vị trí đắc địa, thường có kẻ thù ngoại bang xâm phạm. Chiến tranh luôn là khúc ca bi tráng của lịch sử nước nhà. Từ cuộc sống luôn phải đấu tranh, luôn chịu thử thách mất còn, ước mong của dân ta chỉ là no cơm, ấm áo và bình yên. Nhưng ngay cả những điều ấy thôi cũng ít khi đạt được nên nó cứ mãi là ước mong. Trong điều kiện sống đó thì khả năng tích lũy của cải, khát vọng vươn lên, mở rộng giao thương, sáng tạo và nhu cầu thụ hưởng không có nhiều trong tâm thức dân tộc. Với phẩm chất đặc thù của dân tộc ta là độc lập, yêu nước và kèm đó là tinh thần bất khuất, quật cường nên chúng ta là dân tộc nhỏ nhưng bảo vệ được lãnh thổ, chủ quyền, văn hóa của mình trước tất cả các kẻ thù lớn.

Nhiều dân tộc tương tự chúng ta về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển nhưng khi đấu tranh với ngoại xâm họ phải hi sinh, từ bỏ không ít quyền độc lập, tự chủ. Lãnh thổ có thể bị chiếm, bị chia cắt. Thậm chí có dân tộc không còn tên quốc gia nữa.

Vì vậy, giá trị lớn nhất đối với một dân tộc là độc lập thì với chúng ta, nó còn nguyên vẹn. Chúng ta bảo vệ được giá trị đó thì phải hi sinh, gian khổ, lạc hậu… cũng là dễ hiểu.

Nên bắt đầu từ vấn đề thường nhật thôi, đó là văn hóa gia đình. Có lẽ không dân tộc nào, những gì thân thương, quý giá, trân trọng nhất về tinh thần thường được gắn với gia đình như ở Việt Nam ta.

Một gia đình hiện đại để có hạnh phúc thì cần phấn đấu một số tiêu chí. Đó là: kinh tế khá giả; các thành viên có trình độ học vấn và thường xuyên học tập, trau dồi phù hợp với điều kiện của mình; người trong nhà phải biết tôn trọng nhau theo ngôi thứ, huyết tộc. Đó là văn hóa đáng quý được người xưa đặt làm cốt lõi luân lý, gia phong. Tiếp theo là gia đình cần có những quy ước, hoạt động về sinh hoạt chung cũng như những quy ước tương tác trong những mối quan hệ gia đình. Tại đó, ngoài việc thụ hưởng sự đoàn viên thì còn để hiểu nhau, phối hợp, hỗ trợ và tháo gỡ, giải quyết những vấn đề nảy sinh…

Những gia đình như vậy sẽ là tầng lớp trung lưu của xã hội. Xã hội văn minh hiện nay được đánh giá thông qua sự phát triển của tầng lớp này. Lớp trung lưu càng đông, càng giàu có, văn hóa cao thì khoảng cách xã hội càng ít, mặt bằng xã hội càng cao.

Hiện nay, văn hóa xã hội với các giá trị thẩm mỹ đang bị xuống cấp, xói mòn, lệch lạc, lai căng… vì nhiều nguyên nhân. Vì vậy văn hóa gia đình vốn rất bền vững và tốt đẹp của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự phổ biến của văn hóa ngoại lai, mà chủ yếu là mặt trái của nó; sự gia tăng nhịp độ sống; sự bùng nổ của các phương tiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần; mặt trái của nền kinh tế thị trường và tiêu dùng; xu hướng đô thị hóa… đang khiến giới trẻ không được thụ hưởng tốt những giá trị từ văn hóa gia đình truyền thống.

Và không gian mạng nữa, trong nhiều tiện ích của internet thì không khó gì chúng ta nhận ra, nó cũng đang đánh vào nền tảng đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Những bi kịch gia đình khó tưởng tượng nổi đã xuất phát từ ảo tưởng làm giàu qua đa cấp biến tướng, qua cờ bạc và cá độ, qua biến tướng đầu tư tiền ảo. Thật là đau lòng!

Nhưng trong đại dịch COVID - 19 hiện nay, ở những nơi khủng hoảng nhất thế giới cũng như nơi gay cấn nhất ở Việt Nam, mỗi con người đều thấy giá trị cao nhất của hơi ấm gia đình, của tình nghĩa đùm bọc và của cả những hạnh phúc của sự dâng hiến. Các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội cần có những chiến lược kịp thời, phù hợp để bảo tồn, phát huy văn hóa gia đình.

Nội dung: Trâm Anh - Mạnh Đức ghi

Đồ họa: Tào Đạt - Ngọc Diệp

Bài 3 - Kinh tế thị trường là yếu tố quyết định
Kinh tế thị trường không chỉ là phương thức tổ chức nền kinh tế hiệu quả nhất hiện nay mà nó còn là động lực, nhân tố quyết định về hình thái, cấu trúc phát triển văn hóa, xã hội, chính trị… của loài người. Khi nhận thức đúng và điều tiết hợp lý, thì sự vận hành của nó sẽ tạo nên: tính đoàn kết, hợp tác; kích thích sáng tạo, tự do tư tưởng; trách nhiệm cộng đồng; phân phối lợi ích minh bạch, hợp lý… Nếu xây dựng được nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc thì phồn vinh, hạnh phúc sẽ đến.
Bài 2 - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh: “Nhà nước đi cùng nhân dân”
"Tôi thấy những công việc dù nhỏ hay lớn mà triển khai theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đều rất thành công cả về chất lượng, hiệu quả, và tạo nên tâm lý, cảm xúc xã hội tốt hơn. Nếu Nhà nước đi cùng nhân dân xây dựng và thực hiện mục tiêu một cách bình đẳng, minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm, biết lắng nghe và kiến tạo để nhân dân làm chủ thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục quản lý kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng quan điểm trên là cẩm nang để xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Nguồn bài viết : VA Điện Tử

Top