Phú Thọ: Ruộng biến thành ao - đất ruộng chuyển đi đâu?

2025-01-18 19:26:38

Điều đáng nói, việc khai thác đất trái phép đồng nghĩa với việc bán tài nguyên để tư lợi, làm thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái nhưng không có một cơ quan chức năng nào xử lý.

Nhiều người dân xã Đồng Luận đặt dấu hỏi: Đất này đã được bán cho ai, ai là người tiếp tay cho việc “hợp thức hóa” các giấy tờ từ nạo vét ao để múc đất đem đi bán khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép…?

Lợi dụng nạo vét ao để khai thác đất trái phép

Ngày 23/1/2009, UBND huyện Thanh Thủy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 791390 (do ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND huyện ký) cho ông Nguyễn Văn Thanh, ở khu 5, xã Đồng Luận, với diện tích 24.765 m2 (tương đương hơn 2,4ha) tại khu vực đồng Thung Dung để làm trang trại tổng hợp.

Có "tấm bùa hộ mệnh" trang trại tổng hợp,  ông Thanh đã tự “vẽ” ra nhiều dự án như: Dự án lò gạch thủ công, dự án lò gạch liên hoàn kiểu đứng, dự án đầu tư xây dựng mở rộng phát triển kinh tế trang trại tổng hợp…

Theo nghi nhận của phóng viên, tại khu vực được gọi là trang trại tổng hợp của ông Thanh, đến nay, không có gì ngoài những bờ ao nhấp nhô, cỏ mọc um tùm ngăn cách ao to, ao nhỏ để nuôi trồng thủy sản và một lò gạch thủ công đã dừng hoạt động nằm trơ trọi gần 10 năm nay.

Nhiều người dân xã Đồng Luận cho biết, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hình thành như hiện nay là do ông Thanh đã tự ý múc đất mang đi bán.

Bà Nguyễn Thị Toan, khu 6 khẳng định: Nhiều năm nay, ông Thanh đã tự ý múc đất tại khu vực đồng Thung Dung mang đi bán.

Đây là khu ruộng của người dân khu 5 trước đây, giờ đã thành ao. Đáng chú ý, không chỉ ở khu 5, tại khu 6, với gần 40 hộ dân có đất ở Gò Rậm cũng bị ông Thanh ngang nhiên múc đi bán và sản xuất gạch, bà Toan chia sẻ thêm.

Ông Lã Văn Luận, Trưởng khu 6 xác nhận, vào khoảng trung tuần tháng 7/2017, hàng nghìn m2 ruộng khu đồng Thung Dung đã bị đào xới nham nhở, có chỗ sâu 5-6m do đào đất. Nhiều máy múc công suất lớn hoạt động suốt ngày múc đất chất lên xe tải để đi tiêu thụ.

Việc múc đất đi bán diễn ra công khai nhưng không có cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý. Ông Luận cũng khẳng định, tại thời điểm 2017 và trước đó, việc khai thác đất của ông Thanh là trái phép bởi chưa được cơ quan nào chấp thuận.

Để thông tin được khách quan, phóng viên đã trực tiếp làm việc với chủ trang trại. Ông Thanh cho biết, tháng 12/2017 UBND huyện Thanh Thủy đã có văn bản chấp thuận cho ông cải tạo, nạo vét phần diện tích đất nuôi trồng thủy sản (ao) trong tổng diện tích đất nông nghiệp - Trang trại tổng hợp, diện tích được  phép nạo vét hơn 11.000 m2.

(Ai cho phép ông bán đất - PV?), ông Thanh cho biết, huyện cho phép, nằm trong quy hoạch dự án trang trại tổng hợp nên được phép, ông Hòa (Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy - PV) cho phép đất nạo vét này chuyển về Hoàng Xá bán...

Khi phóng viên đề nghị ông Thanh cho xem giấy phép được huyện chấp thuận cho phép múc đất đi bán, ông Thanh không cung cấp được và nói tới trụ sở UBND xã, huyện là có.

Đất "lậu" bán cho ai?  

Theo phản ánh của người dân, việc múc đất của ông Thanh mang đi bán diễn ra trong một thời gian dài nhưng đến cuối năm 2017, UBND huyện Thanh Thủy mới liên tiếp có những văn bản từ việc chấn chỉnh đến chấp thuận nhằm “hợp thức hóa” cho ông Thanh được cải tạo, nạo vét phần diện tích đất nuôi trồng thủy sản (ao)…

Cụ thể: Tại văn bản số 1166/UBND-TNMT về việc chấn chỉnh các hộ dân tự ý đào san, gạt đất nông nghiệp do ông Nguyễn Văn Hòa ký ngày 02/10/2017 nêu rõ, ông Nguyễn Văn Thanh nhận chuyển đổi và dồn đổi đất nông nghiệp của một số hộ dân tại khu Gò Rậm, xã Đồng Luận và đã được UBND huyện Thanh Thủy chấp thuận dự án đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp với diện tích khoảng 2,4ha.

Hiện nay ông Thanh vẫn chưa phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục về đất đai (chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước).

Trong quá trình quản lý đất của mình, ông Thanh đã tự ý dùng máy múc đất lên ô tô để chở đi nơi khác làm biến dạng mặt bằng… Việc làm trên là không đúng quy định của Luật đất đai năm 2013.

UBND huyện yêu cầu ông Thanh chấp hành nghiêm quy định của Luật đất đai năm 2013, sử dụng đúng mục đích đất được giao, tuyệt đối không đào đất, làm biến dạng mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

Vẫn theo văn bản số 1166, UBND xã Đồng Luận kiểm tra, giám sát việc đào đất, san gạt mặt bằng của hộ ông Thanh nói riêng và của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã nói chung. Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về vấn đề quản lý đất đai tại địa phương, đặc biệt là vấn đề san gạt đất nông nghiệp trái phép như trên…

Ngay sau đó, ngày 14/12/2017, UBND huyện Thanh Thủy lại ban hành văn bản số 1525/UBND-TNMT do ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy ký, chấp thuận cho hộ ông Thanh được cải tạo, nạo vét phần diện tích đất nuôi trồng thủy sản trong tổng diện tích đất nông nghiệp khác.

Văn bản này nêu rõ vị trí cải tạo, nạo vét ao là tại trang trại khu Đồng Thung Dung, xã Đồng Luận với tổng diện tích 11.248 m2, khối lượng đào đất mới, nạo vét cho phép khoảng 22.000 m3, sâu 3m so với mặt ruộng trồng cây hàng năm gia đình đang canh tác và ông Thanh phải có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (nếu có). Thời gian thực hiện 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận.

Đất thừa (đất nạo vét) được đổ vào vị trí hợp lý, đúng quy hoạch hoặc có thể tận dụng đất đắp nền cho các dự án hợp pháp, tận dụng làm nguyên liệu sản xuất xuất gạch, đồng thời chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (nếu có).

Như vậy, căn cứ vào 2 văn bản trên, việc ông Thanh tự ý múc đất đi bán trước khi có văn bản số 1525 ngày 12/12/2017 là hoàn toàn trái phép bởi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép thể hiện ở văn bản số 1166/UBND-TNMT về việc chấn chỉnh các hộ dân tự ý đào san, gạt đất nông nghiệp.

Người dân khu 6 khẳng định, trước tháng 10/2017, ông Thanh đã tự ý múc đất đem đi bán ở xã Hoàng Xá và xã Yến Mao với giá dao động từ 50-60 nghìn đồng/m3. Với hàng nghìn m3 đất nông nghiệp đã bị ông Thanh bán đi, ông Thanh thu về bao nhiêu? ông Thanh có nộp thuế từ trước đó không? Việc đào bới, múc đất đem đi bán, làm biến dạng mặt bằng đất nông nghiệp của người dân khu 5, khu 6 xã Đồng Luận do ông Thanh gây ra từ năm 2005 đến năm 2017 được xử lý như thế nào? Mặt khác, việc buông lỏng quản lý về đất đai của chính quyền xã Đồng Luận đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, ai là người chịu trách nhiệm khi các cựu lãnh đạo xã đã nghỉ hưu theo chế độ “hạ cánh an toàn… Đề nghị tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Thủy vào cuộc điều tra cụ thể nhằm tránh tình trạng mất an ninh trật tự và đơn thư kéo dài, vượt cấp.

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã có bài "Ruộng biến thành ao - ai chịu trách nhiệm?, phản ánh về việc 46 hộ dân xã Đồng Luận cho ông Nguyễn Văn Thanh ở khu 5 mượn, thuê đất nông nghiệp đã bị ông này múc đất làm ao nuôi trồng thủy sản, gây bức xúc trong nhân dân nhưng không được xử lý…

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Nhiều bất cập trong sử dụng đất nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc

Tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gần đây còn bộc lộ nhiều bất cập. Không ít dự án nhận đất đã lâu nhưng không triển khai xây dựng hoặc xây dựng quá chậm so với cam kết. Nhiều doanh nghiệp nhận diện tích mặt bằng rộng nhưng xây dựng nhà xưởng sản xuất một phần nhỏ, còn lại để hoang hóa…

Nguồn bài viết : TCG Xổ Số

Top