'Máu vẫn chưa ngưng loang trong lòng người Ba Chúc' | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-20 19:14:31
Hơn 40 năm qua đi, nhưng những dấu vết của cuộc thảm sát năm xưa mà quân Pol Pot thực hiện vẫn chưa phai mờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tây Nam thiêng liêng của Tổ Quốc, Ba Chúc đã trở thành một biểu tượng vĩnh cửu của nỗi đau và cũng là minh chứng bất diệt cho tội ác diệt chủng vào bậc ghê rợn nhất trong cả lịch sử loài người. Tháng 4/1978, sau hơn 8 tháng liên tục nã đạn vào ngôi làng nhỏ thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, quân Pol Pot đã tràn tới. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chúng đã sát hại hơn 3.000 thường dân, gây rúng động toàn bộ thế giới lúc bấy giờ.

40 năm sau, những ký ức kinh hoàng của ngày ấy vẫn còn hiển hiện rõ trong lòng thị trấn mới. Người Ba Chúc bảo: Chưa lúc nào và sẽ chẳng bao giờ, máu có thể ngừng loang trong lòng của họ được.

Cuộc thảm sát chốn cửa thiền

Tri Tôn, An Giang chiều cuối năm.

Thị trấn Ba Chúc bữa nay ngào ngạt mùi hương trầm. Không ai bảo ai, cứ tới những giờ khắc cuối cùng của năm cũ, người dân của thị trấn biên viễn An Giang lại đồng loạt thắp nhang cho hơn 3.000 nạn nhân đã vĩnh viễn nằm lại sau vụ thảm sát tròn 40 năm về trước.

Lịch sử về sau đã ghi lại những dòng chữ rướm máu về Ba Chúc: “Từ ngày 30/ 4 năm 1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam - Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong suốt 12 ngày chiếm đóng, chúng đã giết chết 3.157 thường dân, chỉ có 3 người sống sót sau vụ tàn sát ấy.”

Chùa Phi Lai 40 năm trước, nơi chứng kiến cuộc thảm sát ghê rợn chốn cửa thiền của quân Pol Pot với đồng bào Ba Chúc (Ảnh tư liệu)

Ngồi lặng lẽ bên hông chùa Phi Lai, ông Trần Ân, một nhân chứng sống của 12 ngày đêm địa ngục ấy khe khẽ thở dài. Ông bảo: Năm nào cũng có người tới hỏi về vụ thảm sát ngày xưa đến mấy chục lần.

“Mỗi lần kể lại đau lòng lắm chú ơi. Cả đời tôi chắc không bao giờ quên được,” ông Tư Ân đăm đắm nhìn ngôi nhà mồ ngay sát cạnh rồi thở hắt ra.

Ngày ấy, Tư Ân vừa tròn 20 tuổi.

Không khí chiến tranh mỗi lúc một lan rộng khắp vùng biên của tỉnh An Giang. Quân Pol Pot trong nhiều tháng liên tục nã đạn vào các làng mạc, ruộng đồng. Những tin tức về cuộc xâm lấn của “giặc Miên” [theo cách gọi của người dân địa phương - PV] vào sâu trong nội địa cuồn cuộn như lửa cháy lan về. Cho đến tháng 4/1978, chúng thậm chí còn cho quân vượt biên cải trang thành dân thường, bí mật trà trộn sang huyện Tri Tôn giết những người đi làm đồng.

[Hình ảnh tội ác của quân phản động Pol Pot với người dân Việt Nam]

Giống như một số ít người, gia đình Tư Ân lục tục dắt díu nhau chạy ngược ra thị trấn Tri Tôn để chạy giặc. Nhưng, hơn 6.000 người khác vẫn bám đất, bám núi ở lại quê hương. Và chỉ một vài ngày sau cuộc di tản ấy, thảm kịch chính thức bắt đầu.

Sau khi nã pháo, quân Pol Pot chia làm hai hướng đánh sâu vào Ba Chúc: Một cánh quân chiếm xã An Lập phía đông Ba Chúc, một cánh đánh chiếm ấp An Bình dưới chân núi dài. Quân Pol Pot bao vây cả làng, chặn đứng mọi ngả đường. Chúng tràn vào từng nhà dân đốt phá, cướp sạch tiền vàng, giết hại trâu bò. Dã man hơn, lính Pol Pot còn lùng bắt người dân, dồn họ ra những cánh đồng lớn để bắt đầu hành quyết.

“Chúng dồn bà con thành những nhóm lớn trên cánh đồng hoặc bương nước rồi dùng gậy gộc, búa, vồ, lưỡi lê đâm, đập cho vỡ sọ. Phụ nữ thì bị hãm hiếp rồi mới giết. Có dòng họ bị biến mất hoàn toàn sau hơn 10 ngày giặc Miên ở Ba Chúc,” ông Hai Phê, một trong những thủ nhang Phi Lai Tự kể, mắt đã đỏ ngầu.

Những hình ảnh tang thương ở Ba Chúc (Ảnh tư liệu)

Nói đoạn, ông Hai dẫn chúng tôi vào khu vực hậu điện của chùa. Tại đây, vào ngày 20/4/1978, hàng trăm đồng bào Ba Chúc trong nỗi sợ hãi tột cùng đã chạy tới nương nhờ cửa Phật.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 18/4/1978, Pol Pot bao vây kín quanh chùa. Bất chấp chốn thiền môn, chúng châm lửa đốt chùa, xả súng vào hậu điện. Người ngã như ngả rạ, xác chất chồng lên nhau. Cuộc bắn phá điên cuồng vào chùa Phi Lai, chỉ trong chớp mắt, đã cướp đi sinh mạng 80 người dân vô tội.

Những ngấn máu loang lổ - dấu vết của cuộc thảm sát 40 năm trước vẫn in hằn lên bức tường nơi hậu điện của chùa Phi Lai (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hơn 100 người khác do hoảng sợ giơ tay đầu hàng đi ra cũng bị xử tử tại chỗ theo nhiều cách. Đàn bà thì chúng hãm hiếp rồi đánh cho tới chết. Đàn ông bị đập vỡ sọ bằng gậy gỗ mun. Trẻ em bị đâm bằng những cây tầm vông nhọn hoắt. Người nào chống đối, chúng nã đạn chết tại chỗ.

40 người khác trốn dưới căn hầm dưới bàn thờ Phật kiên quyết không ra theo lời chiêu hàng cũng bị ném lựu đạn chết.

Hơn 40 năm sau, những ngấn máu từ vụ thảm sát Phi Lai Tự ngày ấy vẫn còn hằn in không sao xóa nổi, loang lổ ngay dưới chân án hương đang nghi ngút khói.

Nấm mồ chung trên núi Tượng

Chém, giết, hiếp và cướp bóc cũng là cảnh diễn ra ở khắp nơi dọc mảnh đất Ba Chúc. Tại tổ đình Tam Bảo, 800 người đã bị áp giải ra giữa cánh đồng cằn cỗi rồi chịu cảnh hành quyết. Dân chạy tứ tán trốn lên núi Tượng cũng bị Pol Pot xua quân lùng sục và “tử hình” ngay trên những miệng hang đá trú ẩn.

Bà Bùi Thị Đầm (68 tuổi), ngụ tại chân núi Tượng bật khóc khi run rẩy chống gậy đưa chúng tôi lên thăm hang Ba Lê cũng là ngôi mộ chung của 8 người thân đã bị tàn sát năm 1978. Lập cập đốt một bó nhang lớn, bà vừa khấn, vừa nức nở: “40 năm rồi, mọi người có còn lạnh không? Hôm nay tui lại lên thắp nhang, mong mọi người được bình yên.”

Bà Bùi Thị Đầm (68 tuổi) bật khóc khi run rẩy chống gậy lên thăm hang Ba Lê cũng là ngôi mộ chung của 8 người thân đã bị tàn sát năm 1978 (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày giặc tràn vào Ba Chúc, anh trai bà Đầm là ông Ba Lê khi đó đã dắt 8 người của gia tộc họ Bùi nhau chạy vào hang đá trong núi Tượng để trú. Do quân Pol Pot liên tục dùng chó săn để truy tìm, cả nhóm không dám rời khỏi hang. Trẻ con ăn cơm khô với muối khát nước mà mọi người không dám lấy nước cho con uống sợ bị bỏ độc. Chỉ khi vào ban đêm, họ mới có thể bò lên, ra chặt thân chuối rừng, kéo vào bên trong uống tạm.

Tới chiều tối ngày thứ 7, đứa con nhỏ của Ba Lê do không chịu được hơi nóng phía dưới khóc váng lên. Lúc này, phía trên miệng hang cũng đã bặt tiếng người. Ba Lê lóc nhóc ôm đứa nhỏ lên phía trên ngồi quạt. Bất ngờ, từ phía trên núi, hai tên lính Pol Pot xồng xộc chạy xuống, tay lăm lăm súng. Ba Lê chỉ kịp liệng con vào tay vợ phía dưới hang rồi lăn lông lốc trượt về chân núi.

“Khi đó, ảnh nghĩ sẽ dụ được địch theo mình được. Chúng nó ném cả trái lựu đạn với bắn súng theo làm ảnh bị lủng đùi. Ảnh chạy được về hầm trú ẩn dưới nhà tự băng bó mà vẫn nghĩ vợ con mình trên đây vẫn an toàn,” bà Đầm kể.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tiếng sau đó, giặc Pol Pot đã hành quyết 8 người còn lại theo cách dã man nhất. Chúng xả súng và ném lựu đạn vào bên trong. Người nào bò được ra ngoài ngay lập tức bị dao, gậy đập chết. Cháu nhỏ con trai Ba Lê còn bị nắm tay chân xé đứt làm đôi. Máu xối xả chảy trên miệng hang đá lạnh.

Nấm mồ chung trên núi Tượng (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đêm ấy, Ba Lê ngồi khóc ngay bên phần thi thể của những người thân yêu rồi tự tay đưa lại những phần thi thể ấy xuống sâu trong hang rồi lấp lại. Và suốt từ đó tới tận bây giờ, hang vẫn chưa bao giờ được một lần mở lại. Mãi về sau, ngôi mộ tập thể trên núi Tượng này được đổi tên thành hang Ba Lê -người duy nhất còn sót lại. Ông Ba cũng lặng lẽ tự mình đổ bằng miệng hang, dựng bia thờ, ghi lại tên từng người đã nằm lại bằng sơn. Sau hàng chục năm, màu sơn vẫn cứ sậm đỏ như dòng máu đã ứa trào lên ngày nào…

[Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản cao cả]

Chỉ tính riêng trong đợt thảm sát năm 1978, toàn gia tộc họ Bùi đã có tới gần 80 người tử vong. Trên toàn địa bàn Ba Chúc, hơn 3.000 đồng bào, chiếm tới hơn 50% dân số bấy giờ đã chết. Chỉ duy nhất 3 người không di tản còn có thể sống sót. Những nấm mồ như hang Ba Lê, Phi Lai Tự, Tam Bảo tự… cũng lần lượt mọc lên như một minh chứng ngàn đời cho nỗi đau của người dân dọc mảnh đất biên viễn phía Tây Nam của Tồ quốc.

Những hộp sọ u buồn

Sau ngày quân Pol Pot bị đánh bật ra khỏi Tri Tôn, từ khắp nơi, bà con bắt đầu lục tục trở về. Đón chờ họ chỉ còn là những ngôi nhà đất đã cháy đen khét lẹt; là tiếng khóc hời tức tưởi trên những miệng hang; là múi thúi váng đầu lẩn khuất… Chỉ bằng 12 ngày, đội quân “mặt quỷ” từ bên kia biên giới đã biến Ba Chúc thành địa ngục.

Năm 1978, thứ duy nhất không thiếu ở Ba Chúc là những cánh đồng bạt ngàn xác chết đang chất chồng lên nhau…

Bà Sáu Vẹn từ Đồng Tháp quay lại đã gần như đổ gục. Ngôi nhà của ba má chỉ còn lại dãy cột kèo đang cháy dở, không còn ai là người thân xung quanh.

“Chỉ còn tro bụi thôi. Khi ấy, tui cứ ôm cột mà khóc, gọi cha mẹ. Nhưng nào còn gì đâu, chỉ còn tiếng gió,” bà Sáu nức nở.

Năm ấy, Ba Chúc lại mất mùa. Thứ duy nhất không thiếu là những cánh đồng bạt ngàn xác chết đang chất chồng lên nhau…

Người còn sống lầm lũi dựng lại cửa nhà, rồi lại lầm lũi gom nhặt những thi thể, xương cốt đã không thể phân biệt được ai với ai lại. Họ tự tay mình đào một hố sâu 3 thước để làm hố xương tập thể và đồng lòng để nấm mồ ấy lộ thiên, như một cách ôn lại mối thù ngàn đời với quân Pol Pot.

Những năm về sau, một khu nhà mồ đã được Nhà nước xây dựng khang trang hơn. 1.159 bộ hài cốt trong số 3.157 mạng người bị thảm sát cũng được quy tập về “ngôi nhà chung” này để trưng bày để các thế hệ sau thấy được sự mất mát, đau thương của thế hệ trước và cũng là cái giá cho những ngày bình yên.

Nằm sát ngay cạnh Phi Lai tự, Nhà Mồ Ba Chúc có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu giương thẳng - thể hiện ý chí căm thù. Chính giữa nhà mồ là khung hộp kính tám cạnh bằng nhau, chứa đựng xương cốt. Để kéo dài tuổi thọ những bộ xương này, vào những năm đầu, ngành chuyên môn phải dùng sáp nấu sôi áo bên ngoài xương để tránh ôxi hóa.

Những hộp sọ u buồn trong nhà mồ Ba Chúc (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hơn 1.000 hộp sọ được phân loại theo độ tuổi rồi bày biện trên các giá thép. Nhiều hộp sọ vẫn còn nguyên vết thủng do đạn bắn, vết nứt vỡ vì bị gậy gộc đập vào. Những hốc mắt trống không, u uẩn hướng đăm đăm ra ngoài khiến du khách tới thăm phải khẽ rùng mình. Ám ảnh nhất phải kể đến là khu đặt hài cốt của trẻ sơ sinh. Hàng chục hộp sọ bé xíu chưa kịp thành hình hoàn chỉnh xếp chồng lên nhau đã bắt đầu ngả sang màu đen xỉn.

Ngày ngày, người dân Ba Chúc có việc đi ngang qua Nhà Mồ không ai bảo ai lại ghé tới, thắp một bó nhang lên bàn thờ được đặt ở chính điện. Suốt 40 năm, hương trầm vẫn âm ỉ cháy, sưởi ấm cho ngôi mộ chung lớn vào bậc nhất cả nước.

Những hộp sọ u buồn trong nhà mồ Ba Chúc (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những ngày này, mặc dù thị trấn vùng biên mang đang ngày một đổi thay, nhưng dư âm kinh hoàng của cuộc thảm sát khi xưa vẫn còn hiển hiện rõ. Một lễ giỗ tập thể đã được tỉnh An Giang ấn định vào ngày 15 và 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm để nhắc nhớ nỗi đau vẫn chưa thể lành. Khu Nhà mồ cũng được quy hoạch và xây dựng lại bề thế và khang trang hơn. Những dấu máu loang trên tường Phi lai tự được giữ lại như một dấu hằn đỏ sậm của lịch sử tang thương… Tất cả vẫn nhắc nhớ người còn sống về 12 ngày đêm thảm sát kinh hoàng ở Ba Chúc…

Chiều muộn Tri Tôn, giữa lưng chừng núi Tượng.

Bà Đầm đã quỳ sụp xuống trước miệng hang Ba Lê. Khói từ bó nhang theo gió từ sườn đồi bỗng bùng lên thành ngọn lửa nhỏ. Lửa hương leo lét trên miệng nấm mồ chung trong bóng chiều loang rộng.

Tiếng khóc của bà Đầm át dần những lời khấn khứa rì rầm, ức nghẹn…

40 năm, chưa khi nào máu ngừng chảy trong lòng người Tri Tôn…

  
(Vietnam+)

Nguồn bài viết : Vegas Gaming Club

Top