Việt Nam – Lào: Chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở tuyến biên giới

2025-01-17 20:15:19
Tiếng Việt trên đất Lào: Kết nối con người, sẻ chia văn hóa
Hợp tác trong lĩnh vực khoa học giữa Việt Nam – Lào: hiện thực hóa các nội dung lãnh đạo hai Đảng, hai Chính phủ thống nhất

Người dân biên giới Việt Nam-Lào chung tay bảo vệ rừng

Từ sáng sớm, người dân bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ, Lào đã tụ họp tại bản xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để tham gia Lễ phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống cháy rừng".

Ông Phon Văn, Trưởng bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ, Lào cho biết chương trình là một nội dung trong cam kết thực hiện mô hình kết nghĩa bản-bản.

Thời gian tới, ông và người dân bản bản Pa Thơm và cán bộ và nhân dân bản Na Luông đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng như cam kết; tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới và đường biên, mốc giới của mỗi nước…

Trưởng bản Pa Thơm và Cụm bản Sốp Hùn ký cam kết bảo vệ rừng trong khu vực biên giới thuộc địa phận các bản. Ảnh: Lê Lan

Đây chỉ là một trong số những hoạt động của người dân trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào chung tay bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, UBND xã Bát Mọt đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Bát Mọt, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, Thanh Hóa và chính quyền cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ (Lào) tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật sâu rộng cho cán bộ, quần chúng nhân dân hai bên biên giới; vận động nhân dân tham gia ký 185 bản cam kết về bảo vệ rừng gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia.

Để bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã ký kết biên bản hợp tác và Chi cục Thanh tra lâm nghiệp thuộc Sở Nông Lâm tỉnh Sekong của Lào về bảo vệ rừng. Chi cục Thanh tra lâm nghiệp tỉnh Savannakhet và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã giai đoạn 2024 - 2029. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và Chi cục Thanh tra lâm nghiệp tỉnh Sê Kông (Lào) đã ký kết Biên bản hợp tác bảo vệ động vật hoang dã.


Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị và Chi cục Thanh tra Lâm nghiệp tỉnh Savannakhet ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Quỳnh Nga

Trong thời gian tới, các bên sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, săn bắt động vật rừng, buôn bán vận chuyển gỗ và sản vật rừng trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát, đối chiếu lượng gỗ, sản vật rừng và động vật rừng xuất-nhập khẩu qua khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin về phòng chống cháy rừng; tuyên truyền, giáo dục người dân dọc khu vực biên giới nhận thức và hiểu về việc bảo vệ tài nguyên rừng, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, chống các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ, động vật rừng và sản vật rừng trái phép; đồng thời, ngăn chặn việc tàn phá-xâm lấn rừng, đất rừng ở khu vực biên giới.

Ngoài ra, còn có Đoàn công tác Cục Lâm nghiệp Lào thăm và học tập kinh nghiệm tại Việt Nam.

Chia sẻ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài khoảng 2.340 km, trải dài qua 10 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của nước bạn Lào là Phongsali, LuanPrabang, Huaphanh, Xiengkhuang, Bolikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Saravane, Sekong và Attapeu. Dọc tuyến biên giới Việt – Lào có 7 cửa khẩu quốc tế và 6 cửa khẩu chính.

Tháng 7/2012, Thỏa thuận hợp tác song phương về lĩnh vực bảo vệ rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và động vật hoang dã được ký kết giữa Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào). Quá trình 14 năm hợp tác đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc giảm đáng kể các vụ cháy rừng, các vụ vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ, động vật hoang dã dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

Năm 2023, nhằm tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp toàn diện hơn, hai bên đã thống nhất nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác này lên cấp Bộ và nhấn mạnh đến tăng cường năng lực quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng.

Ông Thoumthone Vongvisouk, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào ấn tượng và vui mừng với thành công của Việt Nam trong thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 13 năm qua, đặc biệt là thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng. Ông đề nghị trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chia sẻ, tư vấn cho Lào về cách thức xây dựng và triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Với tình cảm truyền thống láng giềng hữu nghị và có nhiều mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lâm nghiệp, ôngTrần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm Lào, đặc biệt là về xây dựng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng – một thành công nổi bật trong phát triển lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe của nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào
Nghĩa tình Việt - Lào sau bão lũ

Nguồn bài viết : RTG Điện tử

Top